đó dựa theo nghề nông, người ta chủ trương chọn giữ giống tốt, loại trừ
giống xấu. Theo đây thấy có khả quan, rồi đem áp dụng vào xã hội loài
người. Người ta nghĩ chọn rặt người tốt để lại, tiêu diệt hết kẻ xấu xa, thì xã
hội loài người sẽ thành lạc quốc. Nhưng than ôi! Khi gạn lọc xong, nhìn lại
số còn được để giống thì thấy toàn là những kẻ xấu xa, ác độc, tàn nhẫn, tệ
bạc mà thôi! Và dù chưa thấy đến tình trạng đó chăng nữa, rồi trong số
người còn để lại, nhất định cũng sẽ tách đôi, tách ba để ứng hợp với sự biến
hóa sanh tồn. Thế là chủ trương ấy trở thành mộng huyễn. Và xã hội loài
người cũng nhờ cái thế lệch hẳn về vật chất, mà hóa ra đổ vỡ chòng chành,
trời đất nghiêng ngửa, chẳng khác nào thương binh bị cưa mất hẳn một chân,
phải khập khễnh với cặp nạn mà thả trôi theo ngày tháng!
4. Con người là trọng tâm vấn đề
Khi chưa có con người, chưa có cái biết của con người, thì dù thiên nhiên
bao la này có hay không, bí mật hay không bí mật cũng không thành vấn đề.
Nhưng khi có con người, có cái biết của con người, thì muôn vạn vấn đề ùn
ùn kéo tới. Thế mới biết chính con người mới là trung tâm vấn đề, mà nhất
là con người của chính Tôi.
Nếu nói theo nhà Phật, khi chưa có con người, chưa có cái biết của con
người, là chưa có đủ sáu đường của luân hồi.
Có người bảo Kinh Thánh chép: Thượng Đế lấy cát bụi nhào nặn với
nước, nắn con người hao hao giống ngài, rồi hà hơi vào, trở nên có sự sống.
Chép như thế là sai! Trên sự thật phải là: Thằng người lấy cát bụi nhào nặn
với nước, nắn hình Thượng Đế hao hao giống nó, rồi hà hơi vào trở thành có
sự sống thì mới đúng lý! Nói như thế thật là thấm thía làm sao!
Thế là con người và cái biết của con người đã trở thành vấn đề trọng đại
ưu tiên cho chính con người, không thể khác hơn được! Mà nhất là con
người của chính Tôi! Nếu vấn đề này chưa tách bạch dứt khoát mà con
người của Tôi đã vội kiến thiết những ngôi nhà lầu chọc trời chăng nữa cũng
chỉ làm chuyện dã tràng se cát.