vào nhiều súng lớn, “Việt cộng” ở đâu mà không đánh. Lại có ý kiến, quân
đội “Việt Nam cộng hoà” (chỉ ngụy quyền Sài Gòn) thua Việt cộng nên Mỹ
phải vào.
Cảnh quan hai bên đường thật đẹp, đồi gò nhấp nhô xen kẽ là những
thung lũng nhỏ, đồng ruộng hẹp với những thôn ấp đan xen, dưới chân là
dòng suối chảy qua. Quốc lộ 13 uốn lượn, thoảng bắt gặp đoạn dốc lên
xuống nhưng không cao, tựa như cảnh đồi vùng trung du Phú Thọ đoạn
Chân Mông - Đoan Hùng. Hai bên đường bạt ngàn rừng cao su với những
lô cây thẳng hàng ngang dọc như những khối quân tề chỉnh đứng trước
quảng trường trong lễ duyệt binh, bỗng anh Bôn thốt lên:
- Giấu quân tốt!
- Phục kích càng tốt. - Tôi hưởng ứng.
Trên đường đi chuẩn bị chiến trường chuyển sang đánh Mỹ, tôi tiếp tục
theo đuổi suy nghĩ này, nó cứ hình thành và lớn lên với những lý lẽ: Mỹ có
nhiều cơ giới, pháo lớn, ắt phải bám đường, hành quân theo đường, đóng
quân dã ngoại hoặc lập căn cứ vẫn phải dựa theo trục đường. Rõ ràng phục
kích, tập kích vẫn là cách đánh thích hợp, vấn đề là ở chỗ vận dụng cụ thể
trong mỗi điều kiện cụ thể.
Qua nghiên cứu thực địa, chúng tôi có nhiều điểm thống nhất trong việc
chọn chiến trường. Nếu Mỹ từ căn cứ Lai Khê nống lên phía bắc trong
khuôn khổ hành quân “tìm diệt” hay cứu viện cho quân ngụy Sài Gòn, nhất
thiết chúng phải theo trục đường 13, trong đó Đồng Sổ, Bầu Bàng, Bầu
Lồng, Chơn Thành... đều là điểm địch có thể tạm dừng chân, trú quân dã
ngoại tìm đường, hoàn chỉnh việc tổ chức để tiến công đối phương. Vì thế
khi từ Bến Cát ngược lại chúng tôi dành thêm thời gian nghiên cứu các địa
danh nói trên, nhất là hình thái cấu trúc địa hình tự nhiên, sơ bộ dự kiến các
phương án đánh địch nếu tình huống xảy ra.