Để có thể tiến hành đồng thời các việc trong cùng một thời gian tôi điện
về sở chỉ huy sư đoàn cho chuyển dịch đội hình xuống khu vực Căm Se
(giữa Chơn Thành - Dầu Tiếng - Bàu Lồng) cách đường 13 khoảng mười
ki-lô-mét về phía tây bảo đảm triển khai chiến đấu được nhanh hơn và cũng
gần căn cứ tỉnh ủy Bình Dương tiện việc phối hợp kế hoạch chiến đấu và
nổi dậy.
Lúc này vào thượng tuần tháng 10, Bộ tư lệnh sư đoàn họp thông qua kế
hoạch chiến đấu.
Quán triệt nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Miền do anh Trần Văn Trà xuống
truyền đạt, dựa vào thực tế tình hình qua bước trinh sát thực địa và những
thông tin địa phương do tỉnh ủy Bình Dương cung cấp, chỉ huy sư đoàn
thống nhất quyết tâm chung:
- Đợt 1: Tiến công tiêu diệt quận lỵ Dầu Tiếng, đồng thời triển khai thế
trận sẵn sàng đánh viện.
- Đợt 2: Thừa thắng phát triển xuống Bến Cát, Bình Dương hỗ trợ cho
nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng.
Về sử dụng lực lượng, Trung đoàn 3 đánh Dầu Tiếng; Trung đoàn 2
đánh viện đường bộ, đoạn từ Đồng Sổ đến Bầu Bàng, Trung đoàn 1 đánh
quân viện đường không và làm lực lượng dự bị chiến dịch. Sang phần
phương án đánh Mỹ, ý kiến trao đổi khá sôi nổi. Riêng tôi thời gian ở ngoài
Bắc qua các lớp tập huấn cán bộ cao cấp trong thời kỳ xây dựng quân đội
tiến lên chính quy, hiện đại, qua học trường quân sự cấp cao nước ngoài, có
được nghiên cứu về quân đội Mỹ nhưng cũng chỉ hiểu Mỹ qua Liên Xô
tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), hiểu sư đoàn Mỹ tổ
chức theo cơ cấu năm cụm, vân vân.
Vấn đề tưởng như khó, ý kiến sẽ khác nhau, nhưng chính sự phong phú
ấy lại gặp nhau ở một điểm - là chiến dịch mở ra trong bối cảnh quân Mỹ đã