Mỗi cụm lấy cơ giới làm nòng cốt, tuyến ngoài có bộ binh làm nhiệm vụ
cảnh giới, tuyến trong là các cụm nhỏ kết hợp với bộ binh và cơ giới. Nếu
tuyến bộ binh bên ngoài bị chọc thủng, bộ binh tuyến trong sẽ dựa vào cơ
giới và phát huy hỏa lực của cơ giới chống lại đối phương. Ban ngày chúng
phòng ngự tương đối rộng, đêm đến thu hẹp đội hình để giữ bí mật, bất ngờ,
bảo vệ cho nhau khi bị ta tiến công.
Khác với Bầu Bàng, ở Nhà Đỏ - Bông Trang địch đóng dã ngoại có thời
gian chuẩn bị (trên dưới một tuần), địa hình nơi đây bằng phẳng nhưng
phức tạp, có nhiều bụi tre gai dày. Địch dựa vào đó đặt tăng, thiết giáp, kèm
theo rào kẽm gai tạo thành vật cản chống lực lượng xung kích của ta. Tuy
không thật kiên cố, vững chắc nhưng không thể coi thường, mà cần phải có
biện pháp khắc phục, vì đó chính là thủ đoạn chiến thuật cụm dã ngoại của
địch được áp dụng trong điều kiện cụ thể địa hình.
Ngày hôm sau Bộ Tư lệnh sư đoàn họp thông qua quyết tâm chiến đấu,
và trước khi thực hiện phải báo cáo Bộ chỉ huy Miền xin được tiến công.
- Biện pháp đánh địch đóng quân dã ngoại có chuẩn bị như thế nào? - Bộ
chỉ huy Miền hỏi.
- Đánh phục kích. - Tôi trả lời.
- Tại sao? - Bộ chỉ huy Miền hỏi tiếp.
- Điều địch ra ngoài công sự để đánh. - Tôi trình bày.
Bộ chỉ huy Miền chuẩn y nhưng nhấn mạnh:
- Phải khẩn trương, tổ chức tiến công sớm, không cho địch có thời gian
chuẩn bị tăng viện cho lữ đoàn 173 ở Phước Vĩnh đánh vào chiến khu Đ.
Giống như trận Bầu Bàng, dùng đội hình toàn sư đoàn tiến công, nhưng
phương châm có khác: tập kích kết hợp với phục kích.