ngược thị xã Hòa Bình, vượt Dốc Cun đến Mộc Châu bắt vào đường số 41
(nay là đường số 6) chúng tôi tới Sơn La vào đầu tháng 12 năm 1945.
Lại nhắc đến đường số 41! Với đồng đội của tôi - những chàng trai trẻ
Hà Nội mới lên lần đầu chỉ có cảm tưởng chung sao đường dài và lắm dốc
thế! Còn với tôi lại khác, nỗi buồn và niềm vui xen lẫn theo suốt chặng
đường hành quân. Cách đây không lâu, bị bọn chỉ huy quân đội Pháp đưa đi
trên đường này làm lính thú sống kiếp lưu đày, hàng ngày nhận những
khinh miệt của người da trắng. Vậy mà hôm nay mới chỉ sau mấy tháng
cuộc đời đã khác. Tôi đã đứng trong đội ngũ vệ quốc quân đi trên con
đường của ta, sống giữa tình đồng đội bình đẳng, chan hòa và nhân ái. Thật
bất ngờ và xúc động.
Sơn La, cái thị xã yên tĩnh, nhỏ bé bỗng nhộn nhịp hẳn lên, đầy ắp
những đơn vị theo lệnh điều quân của cấp trên đã có mặt trước chúng tôi.
Đó là các đại đội vệ quốc quân của tinh Bắc Giang, Hà Nội, Sơn Tây, Nam
Định, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hà Nam, Ninh Bình, cùng với hai đại đội, hai
trung đội của Sơn Tây, Phú Thọ lên trước tham gia cướp chính quyền, sau
đó tổ chức thành chi đội 90 Sơn La (sau đồi thành trung đoàn 148) do anh
Lê Trọng Tấn làm chi đội trưởng, sau thêm các anh Hoàng Mười, Phùng
Thế Tài.
Tình hình lúc này thật căng thẳng. Đến giữa tháng 12 năm 1946, có
thêm tàn quân của A-léc-xăng-đri từ Vân Nam về tăng viện lên tới 5.000
tên, quân Pháp mở nhiều cuộc hành quân tái chiếm. Từ Lai Châu theo
đường số 41 thọc xuống Tuần Châu, Tuần Giáo, chi đội Sơn La bước vào
chiến đấu chống trả quyết liệt với quân Pháp suốt ba ngày đêm ở Chiềng
Pắc, không cho chúng thực hiện ý định chiếm khu vực này; tập kích địch ở
Chiềng Cang, Chiềng Khuông, chặn không cho chúng đánh về hướng Sơn
La, đồng thời lần lượt quét bọn Quốc dân đảng tay sai của Tưởng Giới
Thạch ở hữu ngạn sông Đà.