ấm hơn, còn ở trong nhà vào mùa đông một người Nga mà không quen thì
thật không sống nổi.
– Họ không đốt lò sưởi ư?
– Vâng, với lại nhà cửa họ làm khác lắm, bếp lò, cửa sổ không như ở
đây đâu.
– Hừm! Thế ngài ra nước ngoài có lâu không?
– Bốn năm. Có điều tôi gần như chỉ ở yên một chỗ, ở nông thôn.
– Ngài mất hết thói quen cũ rồi đấy nhỉ?
– Quả có thế thật. Ông có tin không chứ, tôi cứ lấy làm lạ là làm sao mà
mình vẫn còn nói được tiếng Nga. Đấy, bây giờ đang nói với ông thế này
mà trong đầu vẫn nghĩ: “Thì ra mình vẫn còn nói sõi thế này này”. Có thể
là vì tôi quen thói nói nhiều. Đúng đấy, từ hôm qua đến giờ chỉ toàn muốn
nói tiếng Nga.
– Hừm! Hề! Trước đây ngài đã từng sống ở Petersburg rồi đấy chứ? (Dù
đã cố hết sức, gã gia nhân cũng không tài nào giữ được thái độ nhã nhặn lễ
phép từ đầu chí cuối.)
– Ở Petersburg ư? Hầu như không hề ở, chỉ lui tới vậy thôi. Mà trước
đây tôi thật chẳng biết gì về tình hình ở đây cả, còn bây giờ nghe nói có
nhiều cái mới đến nỗi người biết rồi cũng phải cất công tìm hiểu lại từ đầu.
Ở đây người ta đang nói nhiều về tư pháp.
– Hừm!… Tư pháp. Tư pháp thì bao giờ chả thế. Thế nào, ở nước ngoài
tư pháp có công minh hơn ở ta không?
– Tôi không biết. Tôi nghe nói có nhiều cái hay về tư pháp ở ta. Đấy, ở
ta lại hủy bỏ án tử hình rồi đấy.
– Thế ở nước ngoài người ta vẫn xử tử à?
– Vâng. Ở Pháp tôi đã được chứng kiến, ở Lyon. Ngài Sneider đã cho tôi
theo ra tận pháp trường.
– Treo cổ chứ?
– Không, ở Pháp người ta chỉ xử chém thôi.