– Cứ nói tiếp đi hoàng thân ạ. Cứ nói hết ý đi. Tôi không phiền đâu, cứ
việc nói thẳng ra. Xin cứ nhận là ngài khoái chí với ý nghĩ được nhìn một
kẻ đang xuống dốc và… vô tích sự, trong khi hắn lại còn kể cho ngài nghe
rằng hắn đã là chứng nhân của những… biến cố trọng đại. Há gã chưa bao
giờ lẻo mép với ngài về chuyện đó sao?
– Không đâu, Lebedev không có nói gì với tôi cả, nếu quả tình ông có ý
nói về Lebedev…
– Hừ, tôi thì cho là trái lại. Thực ra câu chuyện của chúng tôi ngày hôm
qua dẫn khởi từ một… bài báo lạ lùng trong tờ “Lưu trữ”. Tôi đề cập sự vô
lý của bài báo, vì chính tôi có chứng kiến vụ đó… Kìa hoàng thân, ngài
cười kìa, ngài lại nhìn vào mặt tôi nữa.
– Ô, không đâu, tôi…
– Trông mặt tôi thì vẫn còn trẻ lắm, - ông tướng nói, giọng đãi dài, -
nhưng tuổi tôi thì già hơn mặt tôi nhiều. Năm 1812, tôi mới lên mười, hay
mười một gì đó. Tôi không nhớ rõ tuổi tôi là bao nhiêu. Trong hồ sơ lý lịch
thì tuổi tôi có giảm, và cái khuyết điểm của đời tôi là cứ muốn khai bớt
tuổi.
– Thưa ông, tôi xin xác nhận với ông rằng tôi không hề ngạc nhiên về sự
kiện ông có mặt tại Moskva vào năm 1812- dĩ nhiên ông có đủ tư cách để
kể cho chúng tôi nghe những biến cố xảy ra vào thời đó- như bất cứ một kẻ
đương thời nào có thể kể lại. Trong một tác phẩm tự thuật của một nhà
văn
có thuật rằng vào lúc ông ta còn bế ngửa trên tay tại Moskva năm
1812, các binh sĩ Pháp đã nuôi ông ta bằng bánh mì.
– Đó, ngài thấy chưa? - Ông tướng biểu đồng tình bằng một giọng
khoan dung. - Đã hẳn trường hợp cá nhân tôi cũng hết sức thông thường, dù
không phải là không có chỗ bất thường nào. Sự thật bao giờ cũng có vẻ khó
tin. Một viên hầu cận! Chuyện nghe ra có vẻ lạ lùng thật! Nhưng vào cái
tuổi lên mười thì những trò mạo hiểm của trẻ con khả dĩ giải thích được
chuyện ấy. Có thể việc đó không xảy ra với một thiếu niên mười lăm tuổi,
vì nếu vào tuổi mười lăm, chắc tôi không hề rời căn nhà gỗ ở phố
Basmanaia Cũ, lúc Napoleon tiến vào Moskva, chắc tôi không hề rời mẹ tôi