tôi như hướng về Ngài. Với lại, như ngài cũng tưởng tượng được, một cậu
bé mà được diện bộ triều phục huy hoàng thế thì hách biết là đường nào.
Tôi vận một áo cánh đuôi én, lục thẫm đính cúc vàng, hai tay áo nạm vàng,
cổ áo cao, thẳng tắp, thêu chỉ kim tuyến đến tận đuôi áo; một chiếc quần
trắng bó sát bằng da thuộc, một cánh gilê bằng lụa trắng, bít tất lụa, giày
khóa sắt… lúc nào phò hoàng đế tuần du bằng ngựa, tôi lại mang ủng kỵ
mã cao cổ. Dù tình hình chiến sự không có gì là sáng sủa và người ta đã
thấy trước được những thảm họa lớn lao, nhưng vấn đề nghi lễ vẫn được
bảo trọng rất mực! Thực vậy, càng nghi lễ đúng điệu bao nhiêu, họ càng ý
thức được hiểm họa gần cận bấy nhiêu.
– Vâng, đã hẳn như vậy… - Hoàng thân thì thào, chàng bối rối hết sức. -
Thiên hồi ký của ông thật… là kỳ thú lắm lắm.
Đã hẳn ông tướng chỉ lặp lại câu chuyện ông ta đã kể cho Lebedev nghe,
nghĩa là ông lặp lại thật trôi chảy, lưu loát, thế nhưng đến điểm này, ông lại
nhìn hoàng thân với đôi mắt nghi ngờ.
– Hồi ký của tôi à? - Ông lặp lại với một niềm kiêu hãnh gấp bội. - Tôi
mà viết hồi ký sao? Đừng có cám dỗ tôi, hoàng thân ơi! Nếu ngài muốn
biết thì tôi xin thưa với ngài rằng hồi ký tôi đã viết rồi, nhưng chúng… vẫn
còn nằm ở bàn giấy. Khi nào tôi nhắm mắt dưới huyệt, người ta mới được
xuất bản thiên hồi ký đó, chắc chắn nó sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng,
không phải vì giá trị văn chương, nhưng vì tầm quan trọng về những biến
cố trọng đại tôi đã là nhân chứng, dù là một nhân chứng bé con; mà thật,
cũng nhờ còn trẻ con nên tôi mới vào được tận phòng ngủ của bậc vĩ nhân
ấy! Đêm đêm tôi nghe tiếng than vãn của bậc anh hùng sa cơ ấy; người
không thấy hổ thẹn khi than vãn, khóc lóc trước mặt một đứa trẻ, dù ngay
lúc đó, tôi cũng hiểu được rằng người đau khổ vì sự nín lặng của hoàng đế
Alexandr.
– Đúng vậy, người đã viết cho hoàng đế nhiều bức thư… cầu hòa, -
hoàng thân e ấp tán đồng.
– Nói đúng ra chúng tôi cũng không biết Ngài viết những thư ấy để đề
nghị gì, nhưng ngày nào Ngài cũng viết, viết hàng giờ, viết hết thư này đến