với chồng sau đó. - Thế mà giá có ai bảo rằng nó yêu ngài ấy, nó lại làm tan
nát cửa nhà cho xem!
– Thì làm sao được bây giờ! Số phận đã an bài như thế mà. - Ông tướng
nhún vai nói, sau đó một lúc, ông cứ lặp đi lặp lại mãi điệp khúc ấy hoài.
Tưởng chúng ta cũng nên nói thêm ở đây về ông tướng, vốn là mẫu người
làm ăn, trong câu chuyện này có nhiều điểm ông không thích, nhất là tính
chất mù mờ, thiếu rõ rệt của sự việc, nhưng lâm thời, ông quyết định thủ
khẩu như bình và chỉ biết thuận theo ý của Lizaveta Prokofievna mà thôi.
Không khí vui vẻ trong gia đình cũng không kéo dài được lâu. Ngay
ngày hôm sau, Aglaia đã cãi nhau với hoàng thân rồi, và cứ thế tiếp diễn
trong nhiều ngày sau. Suốt mấy tiếng đồng hồ, nàng cứ giễu cợt hoàng thân
và coi chàng như một anh hề. Sự thật, đôi khi hai người có ngồi bên nhau
suốt một đôi tiếng đồng hồ dưới vòm cây ngoài vườn, nhưng trong suốt
những lúc ấy, hoàng thân chỉ ngồi đọc báo, đọc sách cho Aglaia nghe mà
thôi.
Có một lần, hoàng thân đang đọc báo thì Aglaia ngắt lời, bảo chàng:
– Ngài biết không, tôi nhận thấy vốn liếng học thức của ngài còn kém
cỏi hết sức. Ngài không biết được một điều gì cho đến nơi đến chốn. Gặp
lúc người ta hỏi ngài về nhân vật này là ai, ngày tháng của một biến cố
trọng đại, hay tên của một học thuyết, lúc đó trông ngài mới thảm hại làm
sao!
– Thì tôi đã bảo cô rằng tôi được học rất ít mà, - hoàng thân đáp.
– Chà, vậy thì ngoài cái vốn học thô thiển ấy, ngài còn được cái gì nữa
đây? Thế thì làm sao tôi kính trọng ngài cho được chứ? Thôi, hãy đọc tiếp
đi. Hay là đừng đọc nữa thì hơn. Thôi, đừng đọc nữa.
Buổi chiều hôm đó, lại một việc nhỏ nữa xảy ra, khiến mọi người đau
đầu vì cái vẻ bí hiểm của nó: Hoàng thân S. trở về, Aglaia tỏ ra rất thân
thiết với ông ta, nàng hỏi ông ta đủ mọi thứ chuyện về Evgeni Pavlyts (lúc
đó hoàng thân Lev Nikolaevits chưa đến). Bất chợt hoàng thân S. tự dưng
nói bóng gió về một biến chuyển nữa sắp diễn ra tại gia đình này, ông ám
chỉ đến một việc Lizaveta Prokofievna đã bỏ qua là chuyện tạm hoãn đám