biệt. Chưa đi tới mức khẳng định rằng điều đó làm tôi có cảm tình, không,
tôi không yêu ai cả, nhưng điều đó làm tôi thấy lão ít phản cảm hơn.
Bởi cần phải nói với các vị là vào thời đó, tôi bị dị ứng. Tôi không chịu
được bất cứ thứ gì trên trái đất này. Thậm chí cả chính tôi nữa. Một chủ đề
hấp dẫn với các bác sĩ nếu họ quan tâm đến trường hợp của tôi: tôi dị ứng
với tất cả. Không có gì lôi cuốn tôi, tôi ghê tởm tất cả, sống làm cho tôi
ngứa ngáy, hít thở làm tôi nổi cáu, nhìn xung quanh khiến tôi muốn đâm
đầu vào tường cho phọt óc, quan sát loài người làm tôi thấy buồn nôn, chịu
đựng lời nói của họ làm da tôi phủ đầy vẩy eczema, lại gần sự xấu xí của
họ làm tôi rùng mình, giao du với họ làm tôi nghẹt thở; còn chạm vào họ,
chỉ nghĩ đến đó thôi đã khiến tôi phát ngất. Tóm lại, tôi đã tự vò nặn cuộc
đời mình theo sự què quặt của tôi: vĩnh biệt trường học, tôi không có bạn,
tôi bán hàng mà không tào lao gì với khách, tôi ăn thức ăn công nghiệp - đồ
hộp, cháo ăn liền - ăn một mình, nép dưới những tấm ván công trường, tối
đến, tôi ngủ trong những nơi vắng vẻ, thường là những chỗ hôi hám, miễn
sao được ngủ một mình.
Ngay cả việc tư duy thôi cũng làm tôi đau đớn. Suy nghĩ ư? Không cần
thiết. Nhớ lại ư? Tôi tránh việc đó... Dự đoán ư? Tôi cũng tránh luôn. Tôi
cắt mình ra khỏi quá khứ và tương lai. Hoặc ít ra là, tôi buộc mình làm như
thế... Bởi lẽ, nếu như việc quẳng ký ức đi chẳng gây phiền hà gì cho tôi vì
nó đầy rẫy những kỷ niệm đau đớn thì việc thôi không nghĩ đến những
cảnh tượng đẹp đẽ lại luôn là một sự giằng xé. Tuy nhiên, tôi cấm mình làm
việc đó vì tôi biết mình sẽ lãnh đủ vào lúc tỉnh giấc, khi tôi nhận ra rằng
những điều đó là chuyện viển vông.
- Ta thấy một người to lớn trong cậu.
Không biết hôm thứ Hai ấy tôi bị làm sao nữa? Tôi không trả lời. Tôi
cắm đầu vào một mớ bùng nhùng những suy nghĩ thảm hại, rối đến mức tôi
không nhận ra lão