với tôi. Nhưng chuyện ấy để sau. Chuyện ấy chưa thể kể ngay được. Con
người ấy sẽ chiếm hầu hết cuốn sổ ghi chép của tôi.
Ngài Versilov góa vợ đúng vào thời điểm ấy, nghĩa là ở tuổi hai mươi
lăm của đời mình. Ngài lấy một phụ nữ quý tộc không giàu có lắm, tên là
Fanariotova, và có hai đứa con, một trai một gái. Tư liệu về người vợ góa
đã bỏ ngài đi quá sớm ấy rất ít ỏi và nằm lẫn trong cuốn sổ của tôi, và rất
nhiều tình tiết trong cuộc sống riêng của ngài Versilov tôi không được biết;
đối với tôi, ngài luôn luôn kiêu ngạo, kín đáo, tuy thi thoảng tỏ ra hiền dịu
lạ lùng trước mặt tôi. Song tôi cần phải nói luôn rằng trong đời mình, ngài
đã “nướng” mất ba điền trang, mà là những điền trang rất lớn, mỗi cái đáng
giá bốn trăm ngàn rúp trở lên. Bây giờ thì dĩ nhiên là ngài không còn một
xu dính túi…
Năm ấy ngài về thăm điền trang “có trời biết để làm gì”, ít ra là theo
quan niệm của tôi sau này. Hai đứa con nhỏ của ngài không ở với cha, mà ở
với bà con họ hàng. Suốt đời ngài hành xử với các con của mình, trong giá
thú cũng như ngoài giá thú, đều như thế cả. Số gia nô ở điền trang khá
đông, trong đó có bác làm vườn Makar Ivanov Dolgoruky. Ở đây tôi cần
nói luôn để vĩnh viễn khỏi nhắc lại: ít ai khó chịu bực bội suốt đời, về cái
họ của mình như tôi. Điều đó thật ngớ ngẩn, nhưng đúng là như vậy. Mỗi
lần tôi đặt chân đến một ngôi trường nào đó; hoặc gặp những người mà tôi
có nghĩa vụ xưng họ tên, tóm lại, mỗi cô giáo, mỗi ngài thanh tra, mỗi vị
cha cố, hết thảy bọn họ sau khi hỏi và nghe tôi xưng họ của tôi là
Dolgoruky, thì thể nào cũng hỏi thêm chẳng hiểu để làm gì:
- Công tước Dolgoruky phải không?
Mỗi lần như thế tôi đều phải giải thích với những người rỗi hơi ấy:
- Không, Dolgoruky thường thôi.
Hai chữ thường thôi cuối cùng làm cho tôi nổi điên. Tôi phải xác định
như một hiện tượng, tôi chưa nhớ có trường hợp nào ngoại lệ: hết thảy mọi
người đều hỏi tôi câu kia. Câu hỏi ấy hoàn toàn không cần thiết đối với mọi