Cái đó tất nhiên có ý nghĩa gì đấy, nhưng tôi muốn không phải cái đó;
một hôm tôi nghe ông nói rất lạ về đạo Thiên chúa, ông nói không phải ở
trong nhà, mà là ở ngoài đường, sau một câu chuyện dài, tôi đưa tiễn ông:
- Anh bạn ơi, yêu mọi người, như con người họ đang có, là điều không
thể. Song vẫn cứ phải yêu. Cho nên hãy nén tình cảm, bịt mũi và nhắm mắt
(cái này rất cần đấy) mà làm điều thiện cho họ. Hãy chịu đựng cái ác của
họ, cố gắng đừng giận họ, “hãy nhớ rằng anh cũng là con người”. Tất
nhiên, anh được đặt cao hơn họ một chút, nếu anh thông minh hơn một
chút. Con người về bản chất là thấp hèn và thích yêu vì sợ; đừng hùa theo
thứ tình yêu ấy và chớ ngừng khinh bỉ. Trong kinh Coran, thánh Alla bảo
nhà tiên tri coi “những kẻ ngang ngạnh” như lũ chuột, làm điều thiện cho
họ và đi ngang qua - hơi kiêu ngạo, nhưng đúng đấy. Hãy biết khinh bỉ
ngay cả khi họ tử tế, bởi vì thường thường họ rất xấu xa. Anh bạn ơi, tôi
suy bản thân tôi mà nói như thế đấy! Ai không ngu một chút thôi, đều
không thể sống mà không khinh bỉ mình, dù người ấy có chính trực hay
không cũng vậy. Yêu người thân của mình mà không khinh bỉ là điều
không thể. Theo tôi, con người được tạo ra không có khả năng vật thể để
yêu người thân của mình. Ở đây có sai lầm nào đó về chữ nghĩa ngay từ
đầu, hai chữ “yêu người” cần hiểu như cái người do chính anh tạo ra trong
lòng mình (nói cách khác, tạo ra bản thân mình và đó là tình yêu chính
mình) và do vậy cái người ấy không bao giờ có trong thực tế.
- Không bao giờ có ư?
- Anh bạn ơi, tôi đồng ý rằng cái đó hơi ngốc ngếch, nhưng không
phải lỗi tại tôi, và bởi lẽ khi sáng tạo ra thế giới, người ta không hỏi gì tôi,
nên tôi dành cho mình cái quyền có ý kiến riêng về nó.
Tôi kêu lên:
- Làm sao người ta có thể gọi ba là một tín đồ Cơ đốc giáo, một tu sĩ,
một nhà truyền giáo kia chứ? Con không thể hiểu nổi!
- Thế ai gọi tôi như vậy?