của chị. Ở chỗ chị, không bao giờ tôi gọi “ông Versilov”, mà nhất định gọi
là Andrei Petrovich. Tôi thậm chí có nhận xét rằng nhìn chung ở gia đình
Fanariotova, người ta ngượng về ông Versilov. Tôi nhận xét là căn cứ vào
chị Anna, và không biết dùng từ “ngượng” ở đây có đúng hay không. Tôi
nhắc đến công tước Serezha, chị nghe rất chăm chú, và hình như chị quan
tâm đến cái tin đó; nhưng bao giờ cũng là theo kiểu tôi tự kể, chứ chị không
hề dò hỏi. Về khả năng kết hôn của hai người với nhau, tôi không dám nói
với chị, tuy rất muốn nói, bởi vì ý tưởng đó khiến tôi thích. Ở nhà chị, tôi
ngày càng ít dám đề cập nhiều chuyện, ngược lại, tôi cảm thấy rất dễ chịu
khi ở nhà chị. Tôi còn thích vì chị đọc rất nhiều, kiến thức rất rộng.
Chị là người tự gọi tôi đến nhà lần đầu tiên. Lần ấy tôi hiểu rằng có lẽ
chị muốn biết qua tôi điều gì đó. Ôi, hồi ấy nhiều người có thể biết qua tôi
rất nhiều chuyện! Tôi nghĩ thầm: “Thì đã sao, chị ấy gọi mình đến chơi
không phải chỉ để hỏi”; tóm lại, tôi mừng vì trở nên hữu ích cho chị, và…
và khi tôi ngồi chơi với chị, bao giờ tôi cũng thầm cảm nhận mình đang ở
bên cạnh chị gái của mình, tuy hai chị em chưa nhắc một lời nào đến quan
hệ chị em. Ngồi bên chị, tôi thấy hoàn toàn không cần nói đến quan hệ đó,
khi nhìn chị, đôi lúc tôi nảy ra ý nghĩ vô lí: hình như chị ấy biết không
nhiều về quan hệ ruột thịt, nên chị rất giữ kẽ với tôi.
3.
Tôi bước vào và không ngờ gặp Liza ở nhà chị Anna. Tôi gần như
sửng sốt. Tôi thừa biết hai chị em họ đã gặp nhau trước kia, hồi “có đứa bé
sơ sinh” nọ. Về chuyện chị Anna kiêu hãnh và hay xấu hổ gặp đứa bé nọ và
Liza, có lẽ tôi sẽ kể sau; nhưng tôi không thể ngờ chị Anna lại mời Liza
đến nhà mình. Tôi sửng sốt nhưng vui mừng. Tất nhiên tôi coi như chuyện
bình thường, tôi chào chị Anna và nắm chặt tay Liza, rồi ngồi xuống cạnh
nó. Hai chị em gái đang làm việc: trên bàn và trên đùi họ trải chiếc áo váy
quý giá của chị Anna, nhưng nó đã cũ, nghĩa là đã mặc ba lần và bây giờ
chị Anna muốn sửa lại. Liza là đứa rất giỏi việc này, vì thế mà có cuộc họp