tiểu thư nhà ta lòng yêu quý mãi mãi của tôi”. Quý công tử, quý tiểu thư
được nêu tên rõ ràng, trong đó có tôi. Tôi cần nói rằng Makar Dolgoruky
hóm hỉnh tới mức không bao giờ gọi ngài “Versilov đáng kính” là “ân
nhân” của mình, tuy trong bức thư nào bác cũng có lời thăm hỏi kính cẩn
nhất tới ngài. Mẹ tôi nhanh chóng gửi thư trả lời và cũng theo một giọng
tương tự. Versilov tất nhiên không tham gia trao đổi thư từ. Bác Makar gửi
thư từ các vùng khác nhau của nước Nga, từ các thành phố, các tu viện mà
có khi ông ở đó rất lâu. Bác trở thành một người hành hương. Bác không
bao giờ xin xỏ điều gì, chừng ba lần mỗi năm, bác ghé qua nhà một thời
gian, chỉ dăm ngày hoặc một tuần và ở luôn trong nhà mẹ tôi, - mẹ tôi có
một căn hộ tách biệt với căn hộ của Versilov. Về chuyện này, tôi sẽ nói sau;
ở đây chỉ xin nói rằng bác Makar không nằm trên đi-văng phòng khám, mà
nằm trong một góc khiêm nhường nào đó sau vách ngăn.
Tôi quên nói rằng bác yêu kính cái họ “Dolgoruky” của mình đến mức
ghê gớm. Tất nhiên đó là một sự ngốc nghếch nực cười. Nực cười hơn cả
khi bác thích cái họ của mình chính là vì có công tước Dolgoruky thật.
Khái niệm lạ lùng, hoàn toàn đảo ngược!
Nếu tôi nói rằng cả gia đình luôn luôn đầy đủ, thì dĩ nhiên là trừ tôi ra.
Rằng bị ném ra khỏi nhà, gửi người khác nuôi gần như ngay sau khi sinh
ra. Việc đó không có chủ định đặc biệt nào cả, chỉ đơn giản như thế. Sau
khi sinh tôi, mẹ tôi vẫn trẻ và đẹp, cho nên cần cho Versilov; còn một đứa
bé hay khóc nhè tất nhiên sẽ chỉ làm phiền ông, nhất là trong những chuyến
đi chơi xa. Đó là lý do vì sao cho đến hai mươi tuổi tôi gần như không
được thấy mặt mẹ, ngoài vài ba lần gặp thoáng qua. Không phải do tình
cảm của mẹ tôi, mà là vì thói khinh người của Versilov.
7.
Bây giờ là chuyện khác hẳn.
Tháng trước, nghĩa là một tháng trước ngày mười chín tháng chín, tôi
ở Mạc Tư Khoa đã quyết định dứt khoát tách khỏi họ để đi sâu vào ý tưởng