- Đúng như anh nói! Đúng là phải đưa cái tình cảm khác vào thay thế.
Ở Mạc Tư Khoa, bốn năm trước, một viên tướng… Các anh ạ, tôi không
biết ông ta, nhưng… có thể bản thân ông ta không làm cho người ta kính
trọng… Và bản thân sự kiện có thể vô lí nhưng… các anh biết không, con
ông ta chết, thực ra là hai đứa con gái nhỏ, lần lượt chết vì bệnh sốt phát
ban… Viên tướng ấy bỗng đau khổ, buồn bã tới mức nhìn ông ta không ai
nhận ra được nữa, rồi nửa năm sau thì ông ta chết. Ông ta chết vì con mình
chết, đó là sự thật! Cái gì có thể làm cho ông ta sống lại? Trả lời: một tình
cảm mạnh ngang như thế! Phải đào hai đứa con từ dưới mồ lên trả cho ông
ta. Thế đấy, ông ta đã chết. Lẽ ra có thể nói với ông ta rằng cuộc đời rất
ngắn ngủi, ai ai rồi cũng sẽ chết, đưa cho ông ta xem các số liệu thống kê
có bao nhiêu trẻ em đã thiệt mạng vì bệnh sốt phát ban… Viên tướng ấy sẽ
được an ủi.
Tôi dừng lời, thở hổn hển và nhìn quanh. Có người nói:
- Chuyện này khác hẳn.
- Chuyện cậu vừa kể tuy không cùng loại với trường hợp ở đây nhưng
khá giống và có làm rõ được vấn đề. - Vasin nói với tôi.
4.
Ở đây tôi phải thú nhận, tại sao tôi khâm phục lý lẽ của Vasin về “ý
tưởng-tình cảm”, đồng thời tôi phải thú nhận với cảm giác xấu hổ ghê gớm.
Vâng, tôi sợ đến chỗ Dergachev, dẫu không phải vì nguyên nhân như Efim
nghĩ. Tôi sợ vì tôi sợ họ từ hồi ở Mạc Tư Khoa kia. Tôi biết họ (và những
người khác giống như họ) là những người theo phép biện chứng, họ sẽ đập
tan “ý tưởng” của tôi. Tôi hết sức tự tin ý tưởng của mình, tôi sẽ không nói
cho họ biết; song bọn họ có thể sẽ nói gì đó khiến tôi thất vọng về ý tưởng
của mình, dù tôi không hé răng lấy một lời cho họ biết về nó. Trong “ý
tưởng” của tôi có mấy câu hỏi tôi chưa lý giải được, song tôi không muốn
ai đó lí giải chúng, trừ chính tôi ra. Hai năm vừa qua, tôi thậm chí thôi đọc
sách, sợ gặp phải đoạn nào đó trái với “ý tưởng” của tôi, làm cho tôi lung