“À không, có một nhóm nghiên cứu sinh.”
“À ra vậy…”
“Trong khi nhóm nghiên cứu sinh làm việc, bác đã biếu tặng cho họ một
vài gốc nho để họ có thể thí nghiệm thuốc mới. Bác cũng đã dốc lòng xây
dựng nhà kính nghiên cứu giống nho mới.”
Đó là việc mà Ji Hyeon hoàn toàn không hề hay biết. Nhóm nghiên cứu
Taek Gi nói tới đang thực hiện một dự án có ích cho nông thôn, và ông đã
sát cánh cùng dự án đó. Có việc hiến đất cho nhà nước mà ông nói là một
phần trong những đóng góp của ông cho đội nghiên cứu ấy. Vậy mà Ji
Hyeon luôn nghĩ, việc nhà nông chỉ đơn thuần là rắc hay gieo hạt xuống đất
là được. Cô vẫn tưởng chỉ cần đợi có mưa, hoạt hút chất dinh dưỡng lớn
lên, quả chín đều thì hái xuống đem bán. Nhưng khi Taek Gi bảo rằng đó là
cả một công việc khoa học, Ji Hyeon mới bất giác giật mình. Việc sử dụng
gạo nếp cẩm hay biện pháp canh tác hữu cơ có lần được nhắc đến trên tivi
qua một phóng sự về phương pháp khiến quả hồng còn xanh chỉ trong một
hai ngày liền chín mọng. Cả ngôi làng trồng hồng trong một thời gian ngắn
đã trở thành một làng rất giàu có. Ji Hyeon xem phóng sự xong, gật gù, nửa
tin nửa ngờ. Không ngờ đó cũng là một công trình khoa học. Thật kỳ diệu!
“Năm rồi tôi ngâm một lượng nho lớn định làm rượu nho bán nhưng
không tìm được mối mua hàng nên đã thất bại. Nhưng cũng vì thế tôi đã rút
ra được nhiều kinh nghiệm.”
“Anh ngâm cả rượu nho cơ ạ?”
“Làm mứt nho, rượu nho, tôi muốn làm thử tất cả những thứ có thể làm
được từ nho. Bọn trung gian ăn chặn nhiều lắm, siêu thị lớn cũng vậy, cửa
hàng cũng thế, nếu mình không có thương hiệu sẽ chẳng có nơi nào sẵn
lòng nhận hàng của mình đâu. Hợp tác xã cũng hỗ trợ cho thương hiệu,
cũng có nơi chịu giúp đỡ, nhưng nhìn chung không mấy tác dụng, riêng
chuyện quảng bá thôi đã nảy sinh cả đống vấn đề rồi, lợi bất cập hại.”