phương và giàu có hơn rất nhiều so với cộng đồng người Mã Lai bản địa, những
người có xu hướng làm nông dân trồng lúa giản dị. Mahathir hồi tưởng: “Tôi
nhận thấy rằng người Mã Lai bị tụt hậu rất xa so với người Hoa. Tôi cảm thấy
điều này là không đúng. Cùng là dân trong một nước, chúng tôi lẽ ra phải có ít
nhất là một mức độ phát triển ngang nhau. Tôi cảm thấy hết sức nhục nhã là
ngay tại đất nước của chính tôi, tôi cũng không được coi trọng. Tôi cảm thấy
cần phải làm một điều gì đó. Vì vậy, tôi trở thành một người theo chủ nghĩa dân
tộc.”
Dù vậy, theo như Mahathir cho biết, vào lúc đó, ông và hầu hết người Mã Lai
bản địa khác đều ít dám tin tưởng rằng họ có thể thay đổi được số phận của
mình. “Toàn bộ thế giới quan của chúng tôi đều là chúng tôi không có khả năng
tồn tại độc lập,” Mahathir viết. “Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có người châu Âu mới
có thể điều hành được đất nước và chúng tôi cảm thấy rằng mình cần phải chấp
nhận sự ưu thắng của họ.” Tuy nhiên, cũng giống rất nhiều với Lý Quang Diệu
ở Singapore, Mahathir đã thay đổi suy nghĩ của mình trong thời gian diễn ra
Chiến tranh Thế giới thứ II, khi Nhật Bản xâm chiếm Mã Lai và hất cẳng Anh ra
khỏi vùng lãnh thổ này. Mahathir nhớ lại: “Quân Anh cho nổ nhiều cây cầu khi
họ rút lui còn quân Nhật thì bắn và đâm lưỡi lê vào những binh lính Anh bị rớt
lại phía sau.” Chiến thắng của Nhật “làm chúng tôi tin rằng người châu Âu cũng
chẳng có gì là đặc điểm ưu trội vốn có. Họ cũng có thể bị đánh bại, họ cũng có
thể bị buộc phải đầu hàng một cách hèn hạ trước một dân tộc châu Á… Và thế
là trong chúng tôi thức tỉnh một niềm tin mới rằng nếu chúng tôi muốn, chúng
tôi cũng có thể giống như người Nhật. Chúng tôi thực sự có khả năng lãnh đạo
đất nước của chính mình và cạnh tranh với người châu Âu ở vị thế ngang hàng”.
Dù những kẻ xâm lược Nhật Bản đối xử tàn bạo với những cộng đồng dân tộc
mà họ chinh phục nhưng những năm Mã Lai dưới ách thống trị của Nhật Bản lại
trôi qua khá thanh bình với Mahathir. Khi trường học Anh quốc của ông đóng
cửa, ông đi bán chuối ở một quầy trong một khu chợ địa phương cho đến khi
người cha có đầu óc trọng học hành của Mahathir buộc ông phải đi học ở một
trường Nhật Bản mới. Nhưng, giống như nhiều người Mã Lai khác, Mahathir
vẫn còn cảm thấy vui sướng khi nhìn thấy người Anh quay trở lại Mã Lai sau
khi Nhật Bản bại trận. Ông hi vọng sự xuất hiện trở lại của người Anh là dấu