Y.C. Richard Wong ở Hồng Kông bình luận.
Nhiều nhà kinh tế học đổ lỗi
“mô hình châu Á” là thủ phạm gây ra cuộc Khủng hoảng, giống như cách mà họ
đã quy mô hình này là nguồn gốc của Thập niên mất mát tại Nhật Bản. Các nhà
hoạch định chính sách châu Á không còn là những người có tầm nhìn xa trông
rộng nữa mà trở thành những doanh nhân làm ăn gian dối và cứng đầu cứng cổ,
những người đưa ra những ý tưởng dỏm, thậm chí nguy hiểm. Nhà kinh tế học
Paul Krugman viết: “Khi các nền kinh tế châu Á đưa ra toàn tin tốt thì dễ có thể
thuyết phục anh tin rằng những người được cho là nhà hoạch định của những
nền kinh tế đó biết rõ những gì mà họ đang làm. Giờ đây sự thật đã được phơi
bày: Họ chẳng có một chút manh mối ý tưởng nào.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc Khủng hoảng là thách thức lớn nhất mà
Phép màu từng phải đối mặt. Tuy nhiên, khi tình trạng hỗn loạn đã lắng dịu thì
kết quả để lại của cuộc Khủng hoảng không phải là thứ mà bất kỳ ai cũng đoán
trước được. Cuộc Khủng hoảng không dẫn Phép màu đến chỗ chấm hết. Nó thúc
đẩy những thay đổi trong chính sách kinh tế của châu Á, những thay đổi đảm
bảo cho tương lai của Phép màu. Sự sụp đổ của Kim Woo Choong không phải là
dấu hiệu báo trước sự kết thúc của Phép màu mà là báo trước cho một sự chuyển
biến của nó sang một giai đoạn phát triển mới, có tiềm năng mạnh mẽ hơn.
Để hiểu được điều này đã xảy ra như thế nào, chúng ta cần phải quay ngược
về giữa năm 1997, đi xuyên qua châu lục, đến một quốc gia Đông Nam Á là
Thái Lan, nơi cuộc Khủng hoảng bắt đầu từ trụ sở ngân hàng trung ương đang
bị bao vây của nước này.
***
Ngòi nổ của cuộc Khủng hoảng là quyết định của chính phủ Thái Lan cho
phép thả nổi đồng Baht. Thái Lan trước đó đã cố định tỉ giá đồng Baht với một
loạt các đồng ngoại tệ, trong đó có đồng USD. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng, giới
kinh doanh tiền tệ đã cá với nhau rằng chính sách cố định đồng Baht sẽ không
thể kéo dài, đồng đô la Mỹ đã liên tục tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Khi
đồng Baht tự động mạnh theo đồng USD thì hàng xuất khẩu của Thái sẽ trở nên
đắt hơn so với hàng của các nước láng giềng. Kết quả là thâm hụt tài khoản
vãng lai sẽ tăng. Điều này có nghĩa là dòng tiền chảy ra khỏi Thái Lan dưới