Khủng hoảng từ bên ngoài dội xuống những khu vực tài chính mong manh này,
không có một cái đệm nào để giảm xóc cú sốc đó.
Nhiều điểm yếu của những Con hổ châu Á xuất phát từ di sản để lại của “mô
hình châu Á”. Cũng giống như ở Nhật Bản, những mối quan hệ thân thiết giữa
chính phủ và doanh nhân, sự can thiệp quan liêu quá mức chịu đựng trong việc
phân bổ tài chính đó đã dẫn tới những dự án đầu tư không hiệu quả và những
gánh nợ không thể cáng đáng nổi. Ngay cả vào những năm 90, khi mô hình đã
trải qua một cuộc cải cách nhất định (sự kiểm soát quan liêu của nhà nước đã
dịu bớt bởi phong trào tự do hóa), những thông lệ và sáng kiến mà mô hình đã
cổ vũ vẫn tiếp tục tồn tại giống như ở Nhật Bản. Các ngân hàng cho những công
ty có quan hệ thân thiết với giới chính trị vay đơn giản vì họ luôn luôn làm vậy
chứ không phải vì họ chắc chắn là những công ty này sẽ trả được nợ. Giới điều
hành doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp mà các nhà quản lý nhà nước
của họ luôn luôn ưa thích, ưu ái phát triển bất chấp ngành công nghiệp đó có
khả năng sinh lời hay không. Kết quả là tạo ra một khu vực doanh nghiệp châu
Á ốm yếu. Chẳng hạn như, tại Hàn Quốc, tỉ lệ nợ trên vốn cổ phần (debt-to-
equity ratio – DER) trung bình của 30 chaebol lớn nhất nước đã vượt qua 300%
vào năm 1997. Ngược lại, các công ty Mỹ hiếm khi có tỉ lệ này quá 100%.
Trong khi đó, lợi nhuận của 30 công ty này trên thực tế là không hề có. 13 trong
số 30 tập đoàn kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc đã thua lỗ trong năm 1997. Một
số bị phá sản trong năm 1997, thậm chí trước khi cuộc Khủng hoảng lan đến
Hàn Quốc.
Vấn đề với “mô hình châu Á” không phải là xuất phát từ bản
thân mô hình này mà là do các nhà hoạch định chính sách của châu Á không có
khả năng sửa đổi nó cho phù hợp với những hoàn cảnh mới. Điều đã phát huy
hiệu quả tốt khi châu Á còn nghèo không còn giữ nguyên tác động tích cực như
trước một khi những nền kinh tế của châu Á đã phát triển. Lúc đó, sự can thiệp
của nhà nước vào thị trường sẽ làm cản trở thay vì hỗ trợ cho sự phát triển.
Dù “mô hình châu Á” khiếm khuyết như thế nào đi chăng nữa thì cộng đồng
tài chính quốc tế cũng không thể thoát khỏi bị chỉ trích. Tục ngữ có câu “tại anh,
tại ả, tại cả đôi bên”. Trong trường hợp này, cả hai phe đều có lỗi trong việc gây
ra cuộc khủng hoảng tài chính. Rõ ràng là phải có một ai đó cho vay thì các
ngân hàng và công ty châu Á mới có thể mượn được quá nhiều từ nước ngoài.