Mahathir và Anwar bắt đầu xung đột với nhau về đường lối chính sách.
Anwar khăng khăng cho rằng cách giải quyết của ông là con đường đúng để
chấm dứt Khủng hoảng. Mahathir thì vò đầu bứt tai cho rằng đồng Ringgit và
thị trường chứng khoán vẫn lao dốc bất chấp những chính sách khắc nghiệt của
Anwar. Ông muốn nới lỏng tín dụng và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng để giảm bớt
áp lực lên các công ty và ngân hàng Malaysia.
Cùng lúc đó, Mahathir lại
chịu một sức ép căng thẳng từ cộng đồng tài chính quốc tế buộc ông phải quy
phục IMF. Giới chức Washington và các chủ ngân hàng quốc tế có một niềm tin
mãnh liệt vào sự thiêng liêng của ý kiến chuyên môn do IMF đưa ra. Công khai
lên án IMF, như Mahathir đang làm, là một sự lăng mạ nghiêm trọng đối với
niềm tin của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, kể từ lúc đó, niềm tin kiên định này vào sức mạnh vô song của
IMF đã bị dao động lớn vì cách thức giải quyết Khủng hoảng của tổ chức tài
chính này. Xuất hiện ý kiến mới cho rằng ở một góc độ nào đó Mahathir đã
đúng. Bằng cách giảm phát các nền kinh tế, IMF thắt chặt sự kiểm soát vốn đã
cứng như gọng kìm lên khu vực tư nhân và khiến cho cuộc Khủng hoảng cùng
hệ lụy suy thoái của nó còn trở nên tồi tệ hơn so với mức độ thực của nó. Lãi
suất cao chót vót và những biện pháp bóp chết cầu thị trường mà các chương
trình IMF ủy nhiệm cho các chính phủ đi vay thực hiện làm giảm lợi nhuận của
các công ty đồng thời làm trầm trọng hơn gánh nặng nợ nần của họ, đẩy những
công ty hoàn toàn có khả năng sống sót đến bên bờ vực thẳm tài chính.
IMF đã mắc sai lầm như thế nào? Phải nói đó chính là sức ì của thể chế tài
chính này. IMF đã áp đặt lên châu Á những biện pháp được vạch sẵn từ trước
dựa trên lý thuyết và áp dụng chúng mà không sửa đổi cho phù hợp với những
vấn đề rắc rối thực tế đang thách thức các nền kinh tế châu Á. Một số điều kiện
mà IMF đưa ra chẳng liên quan gì với những nguyên nhân sâu xa gây ra cuộc
Khủng hoảng và ít có khả năng giải quyết được nó, chẳng hạn như buộc các
chính phủ phải tự do hóa những quy định nhập khẩu và chấm dứt sự độc quyền
trong nước. IMF đang kê sai đơn thuốc cho căn bệnh khủng hoảng. Bằng cách
tập trung chú ý vào những chỗ được cho là khiếm khuyết về mặt cấu trúc của
các nền kinh tế châu Á, IMF càng làm xói mòn thêm lòng tin của giới đầu tư
vào khu vực. Tuy nhiên, bất chấp bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy những