chính sách của IMF không mang lại hiệu quả như yêu cầu đặt ra, IMF vẫn bảo
vệ chương trình của mình. Joseph Stiglitz, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng
Thế giới trong thời gian xảy ra Khủng hoảng, sau này viết: “Chính IFM là một
phần của các vấn đề rắc rối của các nước chứ không phải là một phần của giải
pháp.”
Tuy nhiên, quay trở lại thời điểm năm 1997, Mahathir khi đó bị cô lập và
đang tìm kiếm một cách thức của riêng mình để đưa Malaysia thoát khỏi cuộc
Khủng hoảng. Ông phát hiện ra một giải pháp có thể khả thi ở một nơi không
ngờ tới: Trung Quốc. Người khổng lồ theo chủ nghĩa xã hội này không hề bị ảnh
hưởng bởi cuộc Khủng hoảng. Mahathir chú ý nhận thấy rằng cấu trúc kinh tế
của Trung Quốc có một đặc điểm mà các nước Malaysia, Thái Lan và Indonesia
không có: đó là sự kiểm soát chặt chẽ các dòng tiền vốn và buôn bán tiền tệ. Có
thể đây là câu trả lời chăng? Ông nhận ra mình không hiểu về các thị trường tiền
tệ đủ để có câu trả lời chắc chắn. “Tôi hiểu khái niệm này theo nghĩa tiền chảy
ra khỏi đất nước tức là người ta đang vác hàng túi tiền đi ra,” ông nói. Trong
một lần viếng thăm chính thức Argentina vào tháng 10/1997, Mahathir đã mời
một giám đốc ngân hàng trung ương người Malaysia đi cùng ông đến Buenos
Aires để giảng giải sơ lược cho ông về các thị trường tiền tệ toàn cầu. Ông vỡ lẽ
ra rằng các giao dịch mua bán tiền tệ của những kẻ đầu cơ chỉ được ghi trên sổ
sách của các định chế nước ngoài và các ngân hàng nội địa. Những bao tiền
Ringgit được trao tay qua biên giới theo như hình dung trước đây của ông không
bao giờ tồn tại. Ông luận ra rằng mặc dù chính phủ có thể không kiểm soát được
giới đầu cơ nhưng nếu có thể ngăn không cho các ngân hàng Malaysia tham gia
vào những giao dịch tiền tệ thì giới đầu cơ cũng chào thua. Mahathir quyết định
Malaysia cần phải kiểm soát tiền vốn.
Ông đề xuất ý tưởng này đến nhóm hoạch định chính sách của mình.
Tất
cả mọi người đều phản đối, trong đó có Anwar và Daim, người đã làm việc trở
lại cho chính phủ với tư cách là một cố vấn và sau đó là bộ trưởng đặc biệt trong
nội các. Daim nói: “Chúng tôi đã chỉ ra cho ông ấy (Mahathir) 40 lý do vì sao
không nên thực hiện theo ý tưởng đó.”
Họ lo ngại những nhà đầu tư nước
ngoài mà đất nước đang cần để duy trì sự tăng trưởng của mình sẽ bỏ chạy. Có
một nguy cơ là động thái này sẽ làm cho toàn bộ nền kinh tế sớm bị sụp đổ.