việc cải thiện đời sống của người dân nước mình là cách chắc chắn nhất để đạt
được mục tiêu của mình.
Đối mặt với các vấn đề tương tự nhau, các nhà lãnh đạo châu Á có khuynh
hướng theo đuổi những chiến lược kinh tế giống nhau. Tất cả những “kẻ đi
trước” gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đều thiếu nguồn tài
nguyên thiên nhiên và cần phải nhập khẩu nguyên liệu thô quan trọng như dầu
mỏ để tồn tại. Tất cả họ (ngoại trừ Nhật Bản) đều có ít dân và nghèo, không có
khả năng nuôi sống ngành công nghiệp của chính mình. Những điều kiện này
buộc họ phải quay sang nền kinh tế thế giới. Ban đầu là giới chức quan liêu của
Nhật Bản (chương một) và sau đó là các nhà kỹ trị của Park Chung Hee, Lý
Quang Diệu và Tưởng Giới Thạch, tất cả đều bị ám ảnh với mục tiêu xuất khẩu.
Họ gắn nền kinh tế của mình với thương trường toàn cầu chặt chẽ hơn hầu hết
các nước đang nổi khác.
Chiến lược tăng trưởng “dựa vào xuất khẩu” được từng nước trong số các
quốc gia trải nghiệm Phép màu ứng dụng và có lẽ là nhân tố đơn lẻ quan trọng
nhất đối với việc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của châu Á. Mặc dù
điều này nghe có vẻ như là chuyện bình thường vào ngày nay nhưng con đường
xuất khẩu vào thập niên 50 và 60 của Thế kỷ 20 không được nhìn nhận như vậy.
Quay trở lại thời kỳ đó, các chính sách của châu Á thường bị giới phát triển xem
là dị giáo. Nhiều chuyên gia vẫn cho rằng các quốc gia mới giành được độc lập
ở Thế giới thứ ba sẽ không bao giờ đạt được thành tựu phát triển kinh tế nếu họ
không tự cắt đứt bản thân mình khỏi nền kinh tế thế giới vốn bị những ông chủ
thực dân cũ của họ thống trị. Quan điểm này tiếp tục chỉ ra rằng hệ thống kinh tế
toàn cầu đã kẹp chặt các nước đang phát triển trong một cái bẫy với tư cách là
những đầy tớ mắc nợ phương Tây, kẻ chỉ quan tâm đến việc bòn rút nguyên vật
liệu thô của các nước đang phát triển và trong quá trình đó, chuyển cho họ
những sản phẩm công nghiệp hóa cũ. Lập trường này được gọi là “thuyết phụ
thuộc” (dependency theory). Các chuyên gia phát triển ở phương Tây lẫn ở các
nước đang nổi tán thành việc hạn chế thương mại và đầu tư nước ngoài, theo
đuổi mục tiêu “thay thế nhập khẩu”, một quá trình mà thông qua đó các nước sẽ
thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài bằng cách sản xuất chúng ở trong
nước. Sự nổi lên của Liên Xô trong vai trò là một siêu cường quốc vào những