phương Tây nên tránh sa vào sự cám dỗ trong việc dựng nên những hàng rào
bảo hộ hay rút khỏi nền kinh tế thế giới. Quay lưng lại với toàn cầu hóa chỉ làm
cho hàng trăm triệu người còn sống trong đói nghèo không được trải nghiệm
Phép màu. Câu chuyện của châu Á mang lại nhiều bài học quan trọng cho các
thống đốc ngân hàng trung ương và các nhà lãnh đạo của chính phủ nhiều nước
trên thế giới về việc làm cách nào để phục hồi tăng trưởng, tăng thu nhập và cải
thiện phúc lợi của con người.
Đưa ra những quyết định lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn ủng hộ toàn cầu
hóa, thường là trong bối cảnh vấp phải phản ứng giận dữ quyết liệt của phe đối
lập chính trị, đòi hỏi phải có một sự quyết tâm can đảm, giống như các nhà lãnh
đạo châu Á đã học đi học lại nhiều lần kể từ thập niên 50 của thế kỷ 20. Vì sao
việc Park Chung Hee, Lý Quang Diệu và các nhà lãnh đạo khác của châu Á gan
dạ tiến lên phía trước trên con đường phát triển kinh tế của riêng họ là chủ đề
chính của cuốn sách này. Đó là vì họ ít nặng nề về ý thức hệ tư tưởng hơn nhiều
nhà lãnh đạo khác của các nước đang phát triển, vì họ thoáng hơn trong việc
điều chỉnh nhiều chính sách cho phù hợp với các nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế
nước mình. Điều này có lẽ xuất phát từ lý do hầu như không có ai trong số các
nhà lãnh đạo của Phép màu là nhà kinh tế – ngoại trừ một trường hợp khác biệt
lớn là Manmohan Singh của Ấn Độ (chương 9). Họ thường là các luật sư, kỹ sư
hay tướng lĩnh. Một khi các chính sách chủ chốt đã được “những kẻ đi trước”
định hình, chúng sẽ lan rộng khắp châu Á, từ nước này sang nước khác. Những
chính sách vốn phát huy hiệu quả ở một nước sẽ được hăm hở đón nhận và triển
khai ở nước khác. Quá trình này bắt đầu với Nhật Bản. Các ý tưởng do giới
chức và lãnh đạo chính trị của Nhật Bản khởi xướng Phép màu đã học theo ở
một hình thức nhất định nào đó. Chẳng hạn như, Park Chung Hee đã sao chép
hệ thống kinh tế của Nhật Bản. Những “người theo sau” như Đặng Tiểu Bình
của Trung Quốc (chương sáu), Manmohan Singh của Ấn Độ và Mahathir
Mohamad của Malaysia (chương mười) đều chịu ảnh hưởng mạnh “những kẻ đi
trước”. Ví dụ như Mahathir đã ban hành “Chính sách nhìn về phương Đông” tại
Malaysia với chủ trương bắt chước các tập quán kinh tế của Nhật Bản và Hàn
Quốc, xem đó như một cách khởi động Phép màu của riêng Malaysia. Phép màu
có một đặc tính là tự lực. Thành công sẽ đẻ ra thành công.