trong các kết quả khảo sát chất lượng ban đầu do công ty nghiên cứu thị trường
danh tiếng toàn cầu J.D. Power tiến hành và đến năm 2004, xe do Hyundai sản
xuất đã sánh ngang với xe của Honda ở vị trí thứ 2 lại được ưa chuộng tại Mỹ.
Năm 2007, Hyundai cùng với chi nhánh Kia của mình đã bán được 772.482
chiếc xe ô tô tại Mỹ, cao hơn năm 2000 tới 90%. Hồi năm 2005, Mong Koo đã
hứa: “Chúng tôi sẽ tự biến mình thành một đối thủ cạnh tranh vô địch.”
Hyundai đã vượt qua được vũ môn. Giờ đến lượt Lenovo.
***
NĂM 2001, Giám đốc tài chính của IBM John Joyce đặt chân đến trụ sở của
Lenovo tại Bắc Kinh. Là một nhà leo núi ưa chinh phục đã từng leo gần đến
đỉnh ngọn núi Everest, Joyce đem đến cho Liễu Truyền Chí và Dương Nguyên
Khánh một lời mời chào mạo hiểm không kém. Joyce hỏi Liễu Truyền Chí và
Dương Nguyên Khánh liệu Lenovo có hứng thú với việc mua bộ phận sản xuất
máy vi tính cá nhân của IBM hay không? Dương Nguyên Khánh vốn có máu
tháo vát, năng nổ bị hấp dẫn tò mò. Một thỏa thuận như vậy sẽ tạo cơ hội cho
thương hiệu Lenovo hiện diện nhiều nhất trên toàn thế giới so với bất kỳ một
công ty Trung Quốc nào. Tuy nhiên, Liễu Truyền Chí lại nghĩ điều đó thật mạo
hiểm. Bộ phận của IBM quá lớn và khó điều khiển đến nỗi Lenovo không thể
nuốt nổi. Liễu Truyền Chí nghĩ mình nên từ chối lời đề nghị của Joyce. Khi
Joyce báo cáo cho Louis Gerstner về phản ứng của Liễu Truyền Chí, vị giám
đốc điều hành xuất chúng của IBM ấn tượng với sự thận trọng của Liễu Truyền
Chí. “Đó là lý do vì sao ông ấy là chủ tịch (của Lenovo)” – Gerstner nói với
Joyce.
Phản ứng từ chối ban đầu của Liễu Truyền Chí không làm Joyce nản chí. Ông
đã trở nên tin rằng việc bán bộ phận sản xuất máy vi tính cá nhân đóng vai trò
quyết định sự tồn vong của IBM. Bộ phận này đã trở thành một đứa con ghẻ
không ai cần đến, một hoạt động sản xuất kinh doanh khát vốn và luôn đòi hỏi
sự quan tâm chú ý giữa lúc IBM đang muốn tinh gọn bộ máy. Hai năm sau,
Joyce lại tiếp cận Lenovo một lần nữa
và lần này Joyce đã tóm được Lenovo
vừa đúng vào thời điểm chín muồi.