Người đầu tiên trong giới chức Nhật Bản có tư tưởng phát triển là Shigeru
Sahashi, một công chức hành chính sự nghiệp trong MITI đồng thời là một
trong những Thứ trưởng đầy quyền lực. Trong số các quan chức chính phủ thời
hậu chiến có nhiều ảnh hưởng nhất, Sahashi đã để lại dấu ấn không thể phai
nhòa trên “mô hình” của Nhật Bản. Với tính cách hiếu chiến, thích nói thẳng và
kiêu ngạo, Sahashi đã định hình truyền thống lãnh đạo quan liêu nhưng sau đó
chính ông lại là người phá bỏ nó. Cả đời Sahashi luôn chỉ trích cơ chế cất nhắc
nhân sự của chính phủ theo kiểu “sống lâu lên lão làng” và cho rằng cần phải ưu
tiên đề bạt những người có năng lực xuất sắc. Với tinh thần đó, Sahashi đã tuyển
dụng phụ nữ vào làm việc trong MITI, trái ngược với thành kiến nặng nề của cơ
quan bộ này là chỉ ưu tiên tuyển nam.
Chính trị gia cứng rắn Sahashi được
báo giới đặt cho biệt danh là “Ông MITI” còn những người ủng hộ thì tôn ông là
anh hùng, gọi ông là “samurai của các samurai”. Tuy nhiên, tính cách dữ dội nổi
tiếng của Sahashi cũng đem lại cho ông biệt danh “Con quỉ Sahashi”.
Giống như nhiều quan chức phụ trách kinh tế Nhật Bản thời đó, Sahashi
không xuất thân từ một gia đình quí tộc cũng chẳng là một nhà kinh tế học được
đào tạo bài bản. Ông sinh năm 1913 tại thị trấn Izumi ở miền trung Nhật Bản,
nơi cha ông hành nghề chụp ảnh. Khi còn học tiểu học, Sahashi là một học sinh
hay gây gổ đồng thời là một đấu vật sumo hàng đầu thường tranh giải ở các
cuộc tỉ thí tại địa phương. Nhờ có những kỹ năng này mà Sahashi được biết với
biệt danh “Yama Arashi” có nghĩa là “Dông tố núi”. Là một học sinh có thành
tích học tập khá xuất sắc, Sahashi bước lên đỉnh cao học thuật của Nhật Bản khi
ghi tên mình vào khoa Luật của trường đại học danh tiếng Tokyo. Giống nhiều
sinh viên hàng đầu tốt nghiệp đại học khi đó, lựa chọn nghề nghiệp đầu tiên của
Sahashi là làm việc cho chính phủ. Là một người kiên quyết theo dân tộc chủ
nghĩa, Sahashi tin rằng việc gia nhập vào bộ máy công quyền hùng mạnh là
cách chắc chắn nhất đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tại Nhật Bản,
chính sách kinh tế được điều chỉnh và triển khai thực hiện chủ yếu bởi những
công chức chuyên nghiệp chứ không giống như ở Mỹ, nơi những nhà lãnh đạo
được bầu có ảnh hưởng lớn hơn. Về sau, Sahashi viết: “Tôi cho rằng con đường
tắt tốt nhất để đảm bảo cho người dân có được cuộc sống thực sự mang tính
nhân văn là trở thành một quan chức nhà nước. Tôi nghĩ mình cần phải trở thành
một quan chức nhà nước để phục vụ xã hội”.
Ưu tiên sự nghiệp hàng đầu