Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, các công ty Nhật được che chắn bảo vệ
trước sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế quốc tế. MITI, đặc biệt là Sahashi, dứt
khoát giữ quan điểm dân tộc chủ nghĩa. Mục tiêu của MITI là tạo ra những
ngành nghề nội địa. MITI không muốn các công ty đa quốc gia tấn công vào
Nhật Bản, giành giật thị phần và bóp chết đà phát triển của các doanh nghiệp
trong nước. MITI giám sát chặt chẽ và hạn chế dòng tiền đầu tư nước ngoài
chảy vào Nhật Bản. Chính sách này thường xuyên khiến MITI xung đột với các
công ty nước ngoài. Một trong những vụ nổi tiếng nhất là tranh chấp liên quan
đến hãng IBM. Khi gã khổng lồ Mỹ cố thành lập một chi nhánh của mình tại
Nhật, MITI đòi phải để cho người Nhật nắm giữ đa số cổ phần. MITI hiểu rất rõ
là IBM sẽ không bao giờ chấp nhận một điều kiện như thế. Tuy nhiên, IBM đã
mưu kế “qua mặt” MITI và “lách” các quy định về đầu tư nước ngoài của bộ
này bằng chiêu thành lập một công ty con tại Nhật Bản có vốn hoàn toàn bằng
đồng Yên nội tệ. Sahashi khôn ngoan và giận dữ ra lệnh phong tỏa việc nhập
khẩu trang thiết bị cần thiết để xây dựng nhà máy của IBM tại Nhật. Xung đột
cuối cùng đã được giải quyết thông qua hàng loạt các cuộc gặp căng thẳng giữa
Sahashi và các quản lý người địa phương của IBM. Sahashi muốn có bản quyền
sáng chế máy vi tính của IBM nhưng công ty Mỹ lo ngại công nghệ độc quyền
sẽ rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản. Sahashi buộc phải dùng đến biện
pháp mạnh. Ông này thẳng thừng đe dọa: “Nếu phía các ông không đồng ý với
điều kiện của chúng tôi thì chúng tôi sẽ có mọi biện pháp cần thiết ngăn không
cho IBM hoạt động tại Nhật Bản”. Vì không còn có sự lựa chọn nào khác, IBM
cuối cùng đành phải nhượng bộ, chuyển giao bằng sáng chế.
***
Hành động cứng rắn của “Con quỉ Sahashi” và các đồng nghiệp nặng tư
tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông này là căn nguyên nảy sinh khái niệm “Tập
đoàn Nhật Bản”. Trong khi nền kinh tế Nhật đi lên dưới “sự hướng dẫn” của
MITI, khắp nơi trên thế giới đều nhận xét Nhật Bản là một chỉnh thể vững chắc
như bàn thạch mà trong đó chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng phối hợp với
nhau giống như những bộ phận nhịp nhàng, ăn ý của một tập đoàn. Giống như
bất kỳ một doanh nghiệp nào, chỉnh thể “Tập đoàn Nhật Bản” vươn ra để đưa
các lợi ích của riêng mình tiến xa trên trương trường quốc tế bằng sự trả giá của