phát ra. Là một người yêu nhạc, cậu đã chơi đi chơi lại nhiều lần những bản
nhạc ưa thích của Bach, Mozart và Ravel. Kể từ lúc đó, Morita vĩnh viễn bị
cuốn hút vào thế giới những thiết bị điện tử. “Đầu óc tôi luôn bị ám ảnh về phát
hiện mới này cùng với toàn bộ những câu hỏi mà nó đã đặt ra,” Morita sau này
viết. Cậu học sinh bắt đầu đọc nghiến ngấu các loại sách báo viết về những công
nghệ điện tử và thu thanh mới nhất rồi dành hàng giờ đồng hồ sau khi đi học về
hý hoáy làm những thiết bị theo sơ đồ hướng dẫn có trong tạp chí mà cậu ưa
thích mang tên “Máy thu thanh và những thí nghiệm”.
Gia tộc Morita là một dòng họ kinh doanh buôn bán giàu có và được nể trọng
với nghề ủ rượu sake suốt ba thế kỷ. Truyền thống Á đông đòi hỏi Morita, với tư
cách là con trai cả, phải nối nghiệp gánh vác hãng rượu. Cha của Morita dẫn cậu
con trai cả đến nhà máy chế biến rượu để tham gia vào các cuộc họp ban giám
đốc ngay từ khi Morita mới chỉ tròn 10 tuổi. “Tôi đã học được một điều gì đó về
những việc xảy ra trong các cuộc thảo luận kinh doanh ngay từ khi vẫn còn ngồi
trên ghế trường tiểu học,” Morita viết. “Một thời gian sau, tôi trở nên thích thú
với nó.”
Tuy nhiên, sự yêu thích đối với rượu sake không đủ mạnh để vượt qua niềm
đam mê dành cho điện tử. Morita quyết định chọn học ngành vật lý tại trường
đại học Hoàng gia Osaka. Khi Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, Morita chủ
động ghi tên gia nhập hải quân trong một chương trình đặc biệt mà qua đó ông
vẫn có thể được làm việc trong phòng thí nghiệm, “tránh xa việc quẳng cuộc đời
mình vào một trận đánh trên biển phù phiếm nào đó ở một nơi cách xa gia đình
hàng nghìn dặm,” Morita sau này lý giải cho hành động của mình. Trong thời
gian làm việc cho nhóm phát triển tên lửa dẫn hướng hồng ngoại, Morita gặp
Masaru Ibuka. Là một thường dân, Ibuka có công ty riêng chuyên sáng chế ra
một linh kiện quan trọng trong một hệ thống do thám tàu ngầm Mỹ lặn sâu dưới
biển. Ibuka đóng vai trò là cố vấn cho nhóm.
Ibuka và Morita là hai tính
cách rất khác nhau. Với đặc điểm hay âu sầu và dễ bị ám ảnh bởi một việc gì đó,
Ibuka đôi khi cộc cằn và không khéo léo trong cách cư xử. Ông trở nên quá bị
thu hút tâm trí vào một dự án ưa thích đến nỗi ít tập trung được vào những thứ
khác. Với một bản tính nhanh chóng cảm thấy buồn chán, Ibuka nổi tiếng ở
Sony về khoản hay cắt lời những vị khách phát biểu dài dòng khi họ mới nói