nước lên nền kinh tế với một thái độ tàn bạo thậm chí còn vượt xa cả “Con quỉ”
Sahashi và đám người hay gây phiền toái rắc rối của ông này . Trong quá trình
thực thi đó, Park đã tạo ra mối quan hệ giữa chính phủ, doanh nghiệp với tài
chính giống hệt Nhật Bản và cũng đem lại cho đất nước của mình một biệt danh
tương tự là “Tập đoàn Hàn Quốc”. Với vai trò là Giám đốc điều hành của “tập
đoàn” đó, Park – hay thực tế chính là MITI chỉ có duy nhất một người – đã kiểm
soát và thiết kế phần lớn chương trình kinh tế của Hàn Quốc. Chiến lược của
ông đã thách thức lý lẽ thông thường của kinh tế học kinh điển, thậm chí còn
mạnh hơn trường hợp của Nhật Bản, vì tính chất cá nhân hóa trong cách cầm
quyền của Park. Nhà kinh tế học chính trị Alice Amsden, trong công trình
nghiên cứu có căn cứ xác đáng của mình về các chính sách kinh tế của Park, đã
gọi Hàn Quốc là “một ví dụ về cách thức công nghiệp hóa mới thách thức
những giả định đã đứng vững từ lâu của nhiều thế hệ học giả kinh tế”.
Thành công của Park cũng đóng góp thêm một trong những chủ đề gây tranh
cãi nhiều nhất của Phép màu: sự phát triển kinh tế nhanh chóng đòi hỏi cần phải
có sự thống trị độc đoán. Chế độ của Park đã và vẫn đang được gọi là “chế độ
độc tài phát triển”. Giới tư tưởng cho rằng các chính phủ độc tài đã bảo vệ
những nhà kỹ trị khỏi những áp lực tiềm tàng do giới chính trị gia, các nhóm
công dân và các nhóm kinh doanh gây ra; từ đó, cho phép họ triển khai những
chiến lược tăng trưởng dài hạn mà không cần phải lo lắng về những hậu quả
chính trị ngắn hạn. Cơ cấu phân biệt thứ bậc quyền hành rõ ràng của chính phủ
cũng cho phép người ta đưa ra quyết định nhanh chóng, gọn gàng. Các chế độ
dân chủ, ngược lại, có quá nhiều sự can thiệp trong tiến trình ra quyết định; các
chính trị gia của chế độ dân chủ quá nhạy cảm với những mối quan tâm của cử
tri nên khó theo đuổi chính sách nhất quán cần thiết để đạt được mục tiêu tăng
trưởng kinh tế nhanh chóng.
Với di sản dân chủ và tăng trưởng kinh tế lâu đời, những người Mỹ và châu
Âu có đầu óc tự do thường nhanh chóng xua tay bác bỏ luận cứ “chế độ độc tài
phát triển”. Tuy nhiên, tính chất nước đôi trong di sản của Park – thành công
sửng sốt về kinh tế đi kèm sự đàn áp dữ dội về chính trị – đã để lại một câu hỏi
hóc búa. Liệu sự lãnh đạo dân chủ (nếu được thực thi ở quốc gia này) có làm
trật bánh xe đang chạy của Phép màu tại Hàn Quốc? Park cho là như vậy. Ông