sù sụ, hắn hăng lên, hắn lại tiếp tục:
Nhưng theo ý ngài, thưa ngài triết gia, ngài có thấy hết sức kì dị lạ
lùng không, khi một người ngoại quốc, một người Italia, một ông Duni đến
dạy chúng ta đưa thanh điệu vào âm nhạc của chúng ta, dạy chúng ta bắt ca
khúc phải phục tùng mọi chuyển động, mọi nhịp, mọi âm trình, mọi cách
diễn xướng mà không làm phương hại đến âm luật. Song dẫu sao cũng
chẳng phải là chuyện phải uống cạn nước biển. Bất cứ ai đã lắng nghe một
kẻ đói rách xin mình bố thí ở ngoài phố, một anh đàn ông lên cơn thịnh nộ,
một chị đàn bà ghen tuông và giận dữ, một gã tình nhân tuyệt vọng, một tay
nịnh hót, vâng, một tay nịnh hót mềm giọng, kéo dài các âm tiết, lời nói
ngọt như mật, nói tóm lại một dục vọng, bất kể dục vọng nào, miễn rằng
với sức mạnh của nó, nó đáng được dùng làm kiểu mẫu cho nhạc sĩ, bất cứ
ai như thế chắc phải nhận thấy hai điều: một là các âm tiết dù dài hay ngắn,
không chiếm một khoảng thời gian nhất định nào, cũng chẳng có mối tương
quan xác định giữa các khoảng ấy, mà chính là dục vọng điều phối âm luật
hầu như hoàn toàn theo ý nó, chính là dục vọng thực hiện những âm trình
lớn nhất, và khi một người thốt lên trong lúc đau đớn tột cùng: “Ôi, khốn
khổ thân tôi”, y nâng âm tiết cảm thán lên giọng cao nhất và lanh lảnh nhất,
rồi hạ các âm tiết khác xuống những giọng trầm nhất và thấp nhất, y đã
thực hiện một khoảng bát độ hoặc thậm chí một âm trình lớn hơn, đem đến
cho mỗi âm một lượng phù hợp với khúc điệu; mà tai nghe không thấy
chối, mà cả âm tiết dài cũng như âm tiết ngắn đều không còn giữ đúng độ
dài, độ ngắn như trong lời nói lúc bình thường. Chúng ta đã tiến được bao
xa từ thời chúng ta dẫn câu nói xen của Armide, Người chiến thắng
Renaud, liệu ai có thể là chàng
, câu Chúng ta hãy tuân theo đừng
lưỡng lự trong Ấn Độ hào hoa, như là những điều kì diệu của diễn xướng
âm nhạc! Ngày nay, những điều kì diệu ấy khiến tôi nhún vai thương hại.
Cứ theo cái đà tiến của nghệ thuật, tôi chẳng biết nó sẽ đi đến đâu. Trong
khi chờ đợi, chúng ta uống cái đã.