LỜI BẠT
RAMEAU GIỮA CHÚNG TA
Quả là một tin vui cho bạn đọc nước nhà, nhất là cho những ai vốn
yêu thích nền văn hóa và văn học Pháp với các danh tác châm biếm tinh tế,
sắc sảo - và cả tinh quái - của những Molière, La Bruyère, Voltaire... khi
Cháu ông Rameau, một kiệt tác độc đáo của Denis Diderot được Phùng
Văn Tửu dịch sang tiếng việt. Tác phẩm độc đáo cả về ba phương diện: số
phận long đong của nó; các ngụ ý hàm hồ, đa nghĩa nơi các nhân vật; và
ảnh hưởng mạnh mẽ đến bất ngờ của nó đối với cuộc thảo luận về biện
chứng của khai sáng từ đầu thế kỉ XIX cho đến tâm thức hậu-hiện đại ngày
nay. Bài viết sau đây xin góp thêm mấy ý nhỏ về giá trị tư tưởng vẫn còn
tươi mới của tác phẩm, sau khi được may mắn là một trong những người
đầu tiên thưởng thức bản dịch tuyệt vời này.
1. Như ta đã biết, tác phẩm có lẽ được viết trong khoảng thời gian
1761-1772. Nhưng, Diderot lại không hề nhắc đến nó trong tất cả những
thư từ và tác phẩm khác của mình và cũng không có một tác giả đương thời
nào nhắc đến nó cả. Điều ấy thật đáng ngạc nhiên vì đã thấy lưu hành nhiều
bản sao trước khi kết thúc thế kỉ XVIII. Mãi đến mấy mươi năm sau, bản in
đầu tiên mới xuất hiện vào năm 1805, nhưng không phải bằng tiếng Pháp
mà bằng tiếng Đức qua ngòi bút bậc thầy của một nhân vật không phải tầm
thường: đại thi hào Goethe! Bản nền mà Goethe sử dụng sau đó cũng mất,
và chính bản tiếng Đức này lại được hai cây bút đáng ngờ là De Saur và
Saint-Geniès dịch lại sang tiếng Pháp, công bố năm 1821, và cố tình làm
cho người ta lầm tưởng đó là nguyên tác của Diderot. Nguyên bản tiếng
Pháp thực sự xuất hiện vào năm 1823 trong ấn bản Brière về các tác phẩm
của Diderot. Tuy bị cắt xén và thiếu chính xác, bản in này dù sao cũng dựa
vào một bản thảo tiếng Pháp, sử dụng một trong nhiều bản sao thuộc về con
gái của Diderot hiện đang tàng trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp