TÔI
Nhờ thế mà anh bạn đã có cơm ăn, giường ngủ, có áo trong áo ngoài,
có giày dép và mỗi tháng một đồng pistole.
HẮN
Đấy là mặt tốt. Đấy là cái lợi; nhưng về gánh nặng, ông chẳng nói một
lời nào. Trước hết, nếu nghe phong thanh có một vở kịch mới, dù thời tiết
như thế nào, tôi cũng phải lùng sục trong khắp các xó xỉnh ở Paris cho đến
khi tìm thấy tác giả; rồi có được tác phẩm để đọc, rồi khéo léo gợi ý là
trong đó có một nhân vật nếu được thể hiện bởi một người quen biết của tôi
thì chẳng ai bằng. “Người đó là ai thế, xin cho biết? - Là ai ư? Hỏi mới kì
làm sao! Đủ cả duyên dáng, dễ thương, tinh tế. - Anh muốn nói là cô
Dangeville phải không? Chẳng hay anh có quen biết cô ấy không? - Có, có
quen biết chút ít; nhưng không phải cô ấy đâu. - Vậy thế là ai thế?” Tôi hạ
giọng rất khẽ nêu tên, “Cô nàng! - Phải, cô nàng”, tôi nhắc lại hơi xấu hổ
một chút; bởi vì đôi khi tôi có tính ngượng ngùng; và khi tên cô nàng được
nhắc đi nhắc lại, phải nhìn bộ mặt của thi sĩ dài thuỗn ra sao, và những lần
khác người ta quát vào mặt tôi ra sao. Trong khi đó, dù người ta ưng thuận
hay miễn cưỡng, tôi cũng phải kéo người ta đi ăn; và người ta e rằng như
thế là đã cam kết, nên quầy quậy, cảm ơn. Phải thấy tôi bị đối xử ra sao nếu
thương lượng không thành công: tôi là một thằng lỗ mãng, một thằng ngu
ngốc, một thằng quê kệch, tôi là đứa vô tích sự; tôi chẳng xứng đáng với
cốc nước người ta cho tôi uống. Còn tệ hơn nữa khi người ta đang diễn, bị
công chúng la ó, phải thừa nhận la ó là đúng, thế mà tôi phải to gan một
mình vỗ tay đôm đốp, khiến mọi con mắt đổ dồn vào tôi; đôi khi những
tiếng huýt sáo đang chĩa về phía nữ diễn viên lại chuyển về phía tôi, và
nghe người ta thì thầm bên cạnh mình: “Một trong những gã đầy tớ cải
trang đi thay chủ ở nhà ngủ đấy mà; thằng vô lại đó có im đi không?”
Người ta chẳng hiểu do đâu mà có chuyện đó, người ta cứ tưởng là do ngốc