rồi chúng lại được thu hoạch. Đậu chín trên đồng, được phụ nữ thu hoạch
đem đập tách hạt, thân cây và vỏ được gom lại đốt, vì vậy khi tới vụ, đó
đây khắp đồn điền xuất hiện nhiều cột khói mỏng xanh lơ. Dân Kikuyu còn
trồng khoai lang có lá tựa lá nho và mọc lan trên mặt đất thành một lớp
thảm vừa rậm vừa rối cùng lổm ngổm cơ man bí ngô trái lớn, xanh vàng
loang lổ đủ kiểu.
Mỗi khi dạo giữa các shamba của người Kikuyu, thứ trước tiên đập vào
mắt bạn là dáng lom khom của một bà lão bé nhỏ đang đào xới mảnh đất
của mình, giống hình ảnh một con đà điểu chúi đầu trong cát. Mỗi gia đình
người Kikuyu sở hữu vài lều tròn, nhỏ, mái nón, để ở và làm kho chứa.
Khoảng giữa các lều có nền đất rắn như bê tông luôn là địa điểm náo nhiệt:
đây là chỗ ngô được xay, dê được vắt sữa, trẻ con cùng gà qué ríu rít chạy
nhảy. Có dạo tôi thường đi bắn gà gô ở các ruộng khoai lang quanh nhà lưu
dân trong buổi chiều tà xanh ngắt, giữa tiếng bồ câu gù vang trên những
ngọn cây cao vút, tán xòe phất phơ trong gió, đứng đây đó, thứ sót lại của
cánh rừng già từng một thời bao phủ cả đồn điền.
Đồn điền tôi có vài ngàn mẫu đồng cỏ. Ở đó cỏ mọc cao, dập dờn đuổi
nhau tựa lớp lớp sóng biển mỗi khi gió lớn và là nơi các chú nhóc mục
đồng người Kikuyu chăn đàn bò của cha. Mùa lạnh, chúng mang theo
những chiếc giỏ đan bằng liễu gai đựng than hồng lấy từ lều nhà, và đôi khi
gây ra các vụ cháy cỏ lớn làm thiệt hại tới nguồn thức ăn của gia súc đồn
điền. Những năm khô hạn, lũ ngựa vằn và linh dương mò tận xuống đồng
cỏ của đồn điền.
Nairobi là thành thị của chúng tôi, tọa lạc cách đó mười hai dặm, trên một
vùng đất thấp bằng phẳng nằm lọt giữa cả miền núi non trùng điệp. Ở đây
có dinh Toàn Quyền và các trụ sở hành chính cai quản cả đất nước.
Chẳng thể có chuyện một thành thị không đóng bất cứ vai trò gì với cuộc
sống bạn. Thậm chí bất chấp việc ta có những chuyện tốt đẹp hay xấu xa để
nói về nó, chốn phố thị luôn thu hút tâm trí ta bằng một định luật hấp dẫn
tâm hồn. Quầng sáng phía trên bầu trời đêm thành phố mà tôi có thể nhìn