ngoài thảo nguyên cả một khu khử khuẩn bề thế. Nhưng rồi chúng tôi phải
bán đàn bò, kể từ đó khu khử khuẩn bị cỏ bao phủ, đứng trơ trọi như đống
tàn tích đổ nát của một pháo đài. Về sau, vào những buổi chiều muộn, tầm
giờ vắt sữa, tôi đi bộ xuống khu trại nuôi của Mauge hay Kaninu, ngửi thấy
mùi thơm ngòn ngọt của lũ bò, niềm khao khát có được dãy chuồng cùng
xưởng chế bơ sữa của riêng mình lại nhói lên trong lòng. Còn lúc phóng
ngựa trên đồng cỏ, tôi vẫn thấy khu trại của mình hiển hiện trong óc, được
điểm xuyết lốm đốm bằng đàn bò sữa với bộ lông đốm, tựa những bông
hoa.
Nhưng theo thời gian các cảnh mộng ấy càng lúc càng xa vời, và cuối cùng
nhạt nhòa hẳn. Dầu vậy tôi cũng chẳng phiền lòng nếu tiền kiếm từ cà phê
có thể giữ cho đồn điền hoạt động được.
Quản lí đồn điền đồng nghĩa mang cả một gánh nặng trên vai. Kẻ ăn người
làm bản xứ, kể cả nhóm da trắng làm thuê, đều bỏ mặc tôi với mọi nỗi
hoang mang, quan ngại, và đôi khi tôi cảm nhận đàn bò hay cây cà phê
cũng cư xử hệt thế. Dường như tất thảy giống loài biết nói lẫn không biết
nói nhất trí rằng lí do mưa đến trễ hay trời đêm buốt giá nhường này nhất
nhất là lỗi nơi tôi. Tối tối, việc im lặng ngồi đọc sách dường như thành ra
trái lẽ và tôi bị thúc đẩy phải ra khỏi nhà bởi chính nỗi sợ mất nó. Farah tỏ
tường mọi buồn đau của tôi, và anh chẳng bằng lòng cho tôi ra ngoài giữa
đêm như thế. Đề cập chuyện có người thấy báo lởn vởn gần nhà lúc mặt
trời đà khuất bóng, Farah thường đứng ngóng ở hàng hiên, dáng áo choàng
trắng nổi bật trong bóng tối, đến tận lúc tôi trở vào nhà. Nhưng do đang héo
ruột héo gan nên chuyện hổ báo không lọt nổi vào đầu tôi và mặc dầu vẫn
hiểu ban đêm lang thang vô định trên mấy con đường đồn điền không hay
ho gì, mà rồi tôi vẫn cứ đi, giống một bóng ma bị phái đi vơ vẩn chẳng hề
vì mục đích, nguyên do nào.
Hai năm trước khi rời châu Phi, tôi có chuyến về thăm châu Âu. Đi châu
Âu giữa vụ thu hoạch cà phê nên tôi không có thông tin gì về sản lượng
mãi cho tới lúc trở về cập bến cảng Mombasa. Suốt những ngày trên tàu, tôi