thầm phỏng chừng con số: Nếu khỏe khoắn yêu đời tôi kì vọng sẽ thu
hoạch được bảy mươi lăm tấn, còn lúc mệt mỏi âu lo tôi lại ước đoán: Bề gì
sản lượng cũng chỉ đạt sáu chục tấn là cùng.
Farah tới đón tôi tại Mombasa, và tôi chẳng dám hỏi thẳng anh con số sản
lượng; hai chúng tôi chỉ nói các chuyện khác của đồn điền. Nhưng buổi tối,
lúc sắp đi ngủ, không thể kìm nén nỗi thắc thỏm thêm nữa tôi hỏi anh đồn
điền thu hoạch cả thảy được bao nhiêu tấn cà phê. Dân Somali thường
khoái trá mỗi bận có dịp được loan báo tin thảm họa. Tuy nhiên lúc ấy
đứng bên bậu cửa, nét vẻ Farah chẳng có gì thích thú, thần sắc nghiêm
trọng, mắt nhíu lại, hơi ngửa đầu gắng nuốt buồn vào trong mà nói: “Bốn
chục tấn, Memsahib ạ.” Tôi biết vậy là đồn điền không thể tiếp tục tồn tại
được nữa rồi. Hết thảy màu sắc và sinh khí thế giới quanh tôi tan thành mây
khói. Căn phòng khách sạn trống lạnh, ngột ngạt ở Mombasa, với nền láng
xi măng, cái giường sắt cũ rích, tấm lưới ngăn muỗi hư mòn, chợt trở thành
biểu tượng kinh hoàng của một thế giới trần trụi không món đồ trang hoàng
tô điểm cho cuộc sống con người. Tôi không nói gì với Farah, và anh, đối
tượng thân thiện cuối cùng trên trái đất, cũng lui gót mà chẳng hề thốt thêm
lời nào.
Thế nhưng trí não con người vẫn có những năng lực tự đổi mới rất ghê
gớm, và giữa đêm ấy tôi chợt nghĩ, giống Già Knudsen, bốn chục tấn kia
cũng ra tấm ra món lắm chứ, còn tính bi quan luôn là một thói xấu xa tệ
hại. Và dầu gì giờ tôi cũng đang quay trở về, theo con đường trước nhà sẽ
một lần nữa đậu xe ngay nơi cửa. Người của tôi ở đó, bạn bè sẽ kéo đến
thăm nom. Trong vòng mươi tiếng đồng hồ, tôi sẽ thấy lại, từ tàu hỏa, ở
hướng Tây Nam, dáng xanh rặng Ngong in trên nền trời.
Cũng năm ấy lũ châu chấu kéo đến. Người ta kháo nhau nạn châu chấu
khởi phát từ Abyssinia
và sau hai năm hạn hán tại đây chúng bắt đầu di
chuyển về phương Nam, chén sạch mọi thực vật trên đường. Trước khi
chúng tôi thực sự trông thấy châu chấu, trong xứ đã lan truyền đủ loại