“Kwaheri - Tạm biệt nhé, Kinanjui,” tôi nói.
Mấy ngón tay nóng rực của ông khẽ gại gại trong lòng tay tôi. Trước cả lúc
ra tới cửa lều, khi tôi quay người nhìn lại, bóng tối cùng màn khói căn
phòng đã nuốt chửng tấm thân to lớn, thẳng đuỗn của vị thủ lĩnh Kikuyu
của tôi. Khi tôi bước ra khỏi lều, khí trời giá buốt. Vâng trăng sà xuống
mấp mé đường chân trời, hẳn đã là quá nửa đêm. Ngay lúc đó một chú gà
trống trong đàn gà của Kinanjui cất lên hai tiếng gáy.
Cũng đêm ấy Kinanjui qua đời tại bệnh xá Hội truyền giáo. Chiều hôm sau,
hai người con trai ông tới nhà tôi báo tin; cùng lúc họ mời tôi dự đám tang
cử hành vào ngày tiếp theo tại Dagoretti, gần xóm trại của ông.
Người Kikuyu, nếu được mặc tình, sẽ không chôn người chết mà để họ trên
mặt đất cho linh cẩu và kền kền giải quyết. Phong tục này luôn cuốn hút
tôi, âu cũng là một cái thú được nằm dưới mặt trời cùng các vì sao, rồi
được nhanh gọn rứt rỉa, thanh tẩy giữa thanh thiên bạch nhật để hòa thành
một thể cùng Tự Nhiên và trở thành một hợp phần thông thường của cảnh
vật. Thời kì đồn điền có dịch cúm Tây Ban Nha, tôi thường nghe lũ linh
cẩu hú cả đêm quanh các shamba, và sau giai đoạn ấy, nhiều bận tôi bắt gặp
một cái vỏ sọ người màu nâu, nhẵn như chùi, nằm lăn lóc dưới lớp cỏ rừng
mọc cao, tựa một hạt dẻ rụng ở gốc cây hay trên thảo nguyên. Nhưng tập
tục này chẳng phù hợp với đời sống văn minh. Chính quyền đã rất nỗ lực
để người Kikuyu thay đổi tập tục và đưa vong nhân đi chôn, có điều họ vẫn
không ưa cách ấy.
Lần này hai con trai của ông báo với tôi Kinanjui sẽ được mai táng, và tôi
nghĩ dân Kikuyu chấp nhận trường hợp ngoại lệ bởi người chết là thủ lĩnh.
Có thể họ muốn nhân dịp ấy cử hành một sự kiện trọng đại đông người bản
xứ tham dự. Chiều hôm sau tôi lái xe tới Dagoretti, chắc mẩm sẽ thấy tất cả
bô lão thổ tù ở các tiểu bộ tộc trong vùng và chứng kiến một tang lễ long
trọng của đông đảo dân Kikuyu.