Dạo ấy tôi chẳng mấy để tâm đến tình thế bị ghẻ lạnh, bởi nhìn từ bất kì
góc độ nào tôi cũng không hề thân Đức và tự cho hoàn toàn có thể giãi bày
ngọn ngành nếu cần. Nhưng sự việc hẳn hằn sâu hơn tôi tưởng, và nhiều
năm sau, mỗi bận mệt mỏi hay bị sốt, cảm giác này lại ập tới. Trong mấy
tháng sau cuối ở châu Phi, lúc vạn sự quanh tôi đều hỏng bét, đôi khi tâm
trạng này thình lình bủa vây tôi giống như một thứ bóng tối, và khiến tôi
khiếp đảm nghĩ đến chứng loạn thần.
Tại Nairobi ngày thứ Năm ấy, cơn ác mộng kia đột ngột xâm chiếm tôi, và
càng lúc càng dâng lên mãnh liệt đến nỗi tôi thầm hỏi phải chăng mình bắt
đầu phát điên. Chẳng rõ tự đâu, có một nỗi buồn sâu thẳm bao trùm thành
phố cũng như những người tôi gặp, và đồng thời ai cũng ngoảnh mặt đi với
tôi. Không ai dừng chân chuyện trò cùng tôi, thậm chí bạn bè lúc thấy tôi
cũng chui tọt vào ô tô, lái đi. Ngay cả ông lão Duncan, dân Scotland, chủ
hiệu tạp hóa mà tôi là khách hàng lâu năm, đồng thời là bạn nhảy trong
buổi vũ hội ở phủ toàn quyền, thấy tôi bước vào cửa hiệu thì nhìn tôi vẻ hốt
hoảng rồi bỏ đi mất dạng. Tôi bắt đầu cảm thấy trống vắng ở Nairobi như
giữa một hoang đảo.
Tôi chẳng còn ai trò chuyện vì đã bỏ lại Farah ở đồn điền đón chờ Denys.
Người Kikuyu không được việc trong các tình huống như thế này, bởi quan
niệm về thực tại, và chính thực tại cuộc sống họ, khác với của chúng ta.
Thế nên tôi dự định ăn trưa cùng Phu nhân McMillan ở Chiromo, và nghĩ
sẽ tìm thấy dân da trắng tại đấy để tâm tình, và bình tâm trở lại.
Tôi lái xe tới ngôi nhà cổ kính, đáng yêu kiểu Nairobi ở Chiromo, nằm cuối
con đường dài trồng tre, và gặp một nhóm khách dự bữa trưa tại đây.
Nhưng tình cảnh ở Chiromo cũng hệt như trên các con phố Nairobi. Người
nào dường như cũng buồn hắt hiu, ngưng bặt câu chuyện khi tôi đến nơi.
Ngồi kế tôi, ông bạn già Bulpett chỉ cụp mắt nhìn xuống và thốt ra có vài
từ. Tôi gợi chuyện về những chuyến leo núi của ông tại Mexico, hòng phá
tan bóng tối đang phủ nặng lên mình, song ông lão chừng như chẳng còn
nhớ gì nữa.