đành ngồi bất động. Kanuthia, người lái mô tô của Denys cũng đến. Chàng
thanh niên Kikuyu mảnh dẻ, mang cặp mắt cảnh giác của loài khỉ, từng đưa
mô tô vượt nhiều nghìn dặm đường gồ ghề hiểm trở, giờ ngồi đây cạnh nhà
tôi, giống một chú khỉ trong lồng, lạnh lùng, buồn bã.
Bilea Isa, gia nhân người Somali của Denys, từ Naivasha cũng lặn lội tìm
xuống đồn điền. Anh này từng hai lần theo Denys về Anh, đi học tại đây, và
nói tiếng Anh như một quý ông. Mấy năm trước, Denys và tôi đã dự lễ cưới
của Bilea ở Nairobi; đấy là một lễ hội huy hoàng kéo dài tận mấy ngày. Lần
đó, chàng lữ khách giỏi giang kiêm nhà thông thái đã trở lại với phong tục
tổ tiên: bận tấm áo choàng dát vàng, cúi gập người đầu chạm đất chào đón
chúng tôi, rồi nhảy điệu múa kiếm cuồng dã với tinh thần liều mạng quên
mình của miền sa mạc. Bilea xuống để được nhìn và ngồi bên nấm mồ của
chủ nhân. Từ mộ trở về anh hầu như câm lặng rồi lát sau ra ngồi với những
người khác, lưng dựa tường nhà, đôi bàn tay đặt ngửa trên nền hè.
Farah đi ra trò chuyện với những con người đang chìm trong nỗi buồn
thương ấy. Bản thân anh cũng héo cả ruột gan. Farah nói: “Việc bà rời khỏi
đất nước này chẳng đến nỗi tệ lắm bởi giờ còn có Bedar ở lại đây với chúng
tôi.”
Các thành viên trong nhóm của Denys lưu lại chừng một tuần lễ, rồi từng
người từng người rời khỏi đồn điền.
Tôi thường lái xe ra mộ phần Denys. Theo đường chim bay, nơi ấy cách
nhà tôi không quá năm dặm, nhưng do đường đất quanh co nên khoảng
cách thực tế lên tới mười lăm dặm. Ngôi mộ nằm cao hơn nhà tôi ba trăm
thước, không khí chốn này cũng khác - trong trẻo như nước đựng ở li vậy;
những cơn gió hây hây làm tóc bạn tung bay khi bỏ mũ; bên trên mấy đỉnh
núi, lớp lớp mây từ mạn Đông lững lờ tràn đến, vẽ nên các khoảng rợp
sống động lên miền đất nhấp nhô bao la, rồi tan biến trên thung lũng Rift.
Tôi ra dhuka mua một thước vải trắng, thứ vải người bản xứ gọi là
Americani, rồi cùng Farah dựng ba cột cao sau mộ, giăng dải vải lên đó, để