từ nhà tôi có thể phân định chính xác vị trí ngôi mộ, một chấm trắng giữa
rặng núi xanh.
Những trận mưa tầm tã trút nước ào ào làm tôi sợ cỏ sẽ mọc um tùm phủ
kín mộ, làm mất dấu. Bởi thế một ngày chúng tôi chất hết các tảng đá vôi
trắng dọc con đường trước nhà, chính chỗ đá Karomenya từng nhọc công
gom thành đống tướng trước cửa chính, lên cỗ xe thùng rồi đem chở vào
núi. Dọn sạch cỏ xong, chúng tôi xếp đá thành một hình vuông quanh mộ
để đánh dấu; giờ thì lúc nào cũng có thể dễ dàng tìm ra vị trí này.
Vì tôi thường xuyên ra thăm mộ, và hay đưa đám trẻ làm trong nhà đi cùng,
nên nơi đây trở thành địa điểm thân quen với chúng; lũ trẻ giờ có thể chỉ
đường cho những người muốn tìm tới đây. Chúng còn dựng một mái lều
nhỏ trong khoảnh rừng gần đó. Vào mùa hè, Ali bin Salim, người bạn cũ
của Denys từ Mombasa đến nằm lên mộ và khóc than, theo phong tục
người Ả Rập.
Có lần tôi gặp Hugh Martin cạnh nấm mồ và cùng ngồi trên cỏ trò chuyện
mãi. Cái chết của Denys để lại một nỗi đau tận đáy lòng Hugh Martin. Nếu
có ai giành được chỗ đứng trong cuộc sống lánh đời kì lạ của Hugh Martin,
thì ấy là Denys. Hình mẫu lí tưởng là một thứ lạ lùng, bạn chẳng thể ngờ
Hugh lại bám lấy một khái niệm như vậy, cũng như chẳng thể nghĩ việc
hình ảnh lí tưởng ấy mất đi sẽ để lại hệ quả cho anh, trong chừng mực nào
đó, giống như bị mất một bộ phận nội tạng sống còn. Thật vậy, kể từ cái
chết của Denys, Hugh già xọm đi và thay đổi thấy rõ, mặt anh giờ đầy vết
đỏ, nom phờ phác. Tuy thế vẫn như xưa, Hugh giữ phong thái điềm tĩnh,
cười mỉm hệt Phật di lặc, như nắm được một điều cực kì đáng hài lòng mà
cả thiên hạ chẳng ai hay. Hugh bảo tối hôm qua anh phấn khích mãi vì vớ
được một câu thích hợp để khắc lên bia mộ Denys. Có lẽ đọc được của một
tác gia Hi Lạp cổ nên giờ anh nhắc lại cho tôi bằng thứ tiếng ấy rồi dịch ra.
Câu đó như sau: “Trong cái chết lửa quyện cốt tro tôi. Nhưng nào có hề chi
bởi giờ tôi đã được an lành yên nghỉ.”