trơ trụi chẳng còn gì và trong tình trạng đó, khi ấy theo tôi nhận xét, chúng
dường như phù hợp để ở hơn cả trước kia.
Tôi bảo Farah: “Nhà mình nhẽ ra tứ thời phải để trống trải thế này mới
phải.”
Farah hiểu rõ tôi muốn nói gì, bởi dân Somali ai ai cũng phần nào là người
khổ hạnh. Giai đoạn này Farah dồn toàn tâm toàn ý đỡ đần tôi mọi việc có
thể; nhưng anh cũng ngày càng giống một người Somali thực thụ, như hồi
được gửi tới đón tôi ở Aden buổi đầu cập bến châu Phi. Rất lo cho mấy đôi
giày tã của tôi, Farah thổ lộ là ngày nào cũng khấn khứa để chúng trụ được
đến Paris.
Trong những tháng ấy, ngày nào Farah cũng bận mấy bộ cánh diện nhất.
Anh có vô khối quần áo đẹp: mấy tấm áo gi-lê Ả Rập có đính các sợi dây
vàng ròng mà tôi cho, chiếc áo gi-lê đỏ tươi viền vàng cực kì tao nhã mà
Berkeley Cole tặng, cùng nhiều khăn lụa turban màu sắc bắt mắt. Thường
khi anh chỉ cất chúng trong rương, để dành mặc vào những dịp đặc biệt.
Nhưng giờ Farah chưng ra những gì bảnh nhất. Anh lẽo đẽo theo tôi, đằng
sau ở khoảng cách một bước chân, trên đường phố Nairobi, hay đứng chờ
trên cầu thang dơ dáy ở các tòa nhà công quyền hoặc văn phòng luật sư,
trong trang phục lộng lẫy như vua Solomon. Để hành xử như vậy bạn phải
là người Somali.
Giờ tôi còn phải an bài số phận bầy ngựa và chó của mình. Từ đầu tôi định
bắn chết chúng, song có nhiều bạn bè viết thư xin mang về nuôi. Sau đó,
mỗi lần cưỡi ngựa ra ngoài cùng lũ chó, tôi lại thấy dường như bất công
nếu bắn chúng khi vẫn còn tràn trề sức sống thế này. Nan đề này khiến tôi
lần lữa nhiều ngày và tôi chẳng nhớ nổi đã khi nào, trong bất cứ chuyện gì,
mình lại thay đổi xoành xoạch quyết định như vậy. Sau rốt tôi quyết định
giao chúng cho bạn bè.
Tôi cưỡi chú ngựa yêu Rogue vào Nairobi. Nó đi rất chậm, hết nhìn hướng
Bắc lại ngoảnh về đằng Nam. Tôi nghĩ Rogue hẳn thấy lạ lắm khi theo