Tôi ngạc nhiên thấy lưu dân nằng nặc đòi được sống bên nhau vì trước giờ
họ chẳng thể chung sống hòa bình và luôn nói về nhau bằng những lời lẽ
không mấy tốt đẹp. Ấy vậy mà hiện chủ nhân các đàn gia súc lớn, nhóm
chuyên ăn to nói lớn, đi đứng nghênh ngang như Kathegu, Kaninu, Mauge,
giờ lại tay trong tay, thật sự như vậy, kéo đến đây cùng đám bần nông
nghèo mạt rệp, chuyên đời khúm núm rụt rè như Wawern hay Chotha và tất
cả đồng lòng nhất trí bám rịt lấy nhau hệt như bám chặt mấy con bò của
mình. Tôi cảm giác họ không chỉ đang đòi chỗ cư ngụ mà còn đòi quyền
được sống.
Lúc bị chúng ta tước đoạt đất, thứ người bản xứ mất mát thực ra còn hơn cả
đất. Đó còn là quá khứ họ, cội rễ họ, nhân thân họ. Nếu ta lấy đi thứ họ đã
quen được nhìn, và mong được thấy, có thể nói ta cũng cướp đi luôn cặp
mắt họ. Không tương thích lắm với con người văn minh nhưng nguyên lí
này lại rất đúng cho người sơ khai hay thú vật, và các đối tượng này sẽ vượt
những chặng đường dài, chẳng quản mọi hiểm nguy gian khó, để tìm lại
mình trong môi trường sống quen thuộc thuở nào.
Dân Masai, dạo bị lùa từ miền đất cũ nằm trên mạn Bắc tuyến đường xe lửa
tới Khu bảo tồn Masai ngày nay, đã mang theo tên núi, tên sông, tên thảo
nguyên chốn cũ đem đặt cho núi sông thảo nguyên ở xứ sở mới. Điều này
khiến lữ khách rối trí. Đem theo cội rễ bị cắt rời như phương thuốc chữa trị,
trong hoàn cảnh bị đày ải, người Masai gắng lưu giữ quá khứ bằng công
thức.
Lúc này, cũng từ chính thứ bản năng tự vệ ấy, các lưu dân của tôi đang bám
chặt lấy nhau. Nếu phải rời bỏ vùng đất của mình, bên cạnh họ quyết phải
có những người biết về nó - các chứng nhân cho thân phận họ, để rồi họ
còn có thể, trong nhiều năm, kể mãi về địa lí và lịch sử của đồn điền và thứ
gì người này quên sẽ được người khác nhớ. Hiện tại họ đã cảm nhận được
gánh nặng của diệt vong đè trên đầu.
“Đi đi Msabu.” họ bảo tôi, “hãy vì chúng tôi tới chính quyền
chúng tôi mang theo tất tật gia súc tới nơi ở mới, và xin phép để tất tật