5
Giã biệt
Cùng thời điểm này các vị cao niên trong vùng quyết định tổ chức một
Ngoma bô lão cho tôi.
Thời xưa Ngoma của bô lão là những ngày lễ trọng đại, nhưng nay họa
hoằn lắm họ mới nhảy múa, và trong suốt thời gian sống tại châu Phi tôi
chưa từng được xem lễ hội dạng này lần nào. Tôi mong được tận mắt
chứng kiến một lần bởi Ngoma này vốn được người Kikuyu hết lời ngợi ca.
Được đăng cai Ngoma bô lão là niềm vinh dự lớn cho đồn điền và cư dân ở
đây xôn xao bàn tán về ngày hội từ lâu trước khi nó thực sự diễn ra.
Chính Farah, vốn vẫn coi thường các Ngoma của dân bản địa, lần này cũng
phải giật mình trước quyết định của các vị cao niên. “Đám ấy họ đều trọng
tuổi cả, Memsahib ạ,” anh bảo, “rất già lão rồi.”
Những chú sư tử trẻ trung người Kikuyu nói với niềm tôn kính và thái độ
khiếp sợ trước cuộc biểu diễn sắp tới của các vũ công già nua, điều mà
chẳng mấy khi ta thấy ở họ.
Có một sự thể tôi không hề biết - Ngoma bị chính quyến cấm. Tôi cũng
không rõ lí do của lệnh cấm. Người Kikuyu hẳn đã biết chuyện này nhưng
bỏ qua, có thể họ suy diễn trong giai đoạn nhiễu nhương này có thể làm
những điều bình thường không được phép, hoặc do ngập chìm trong tâm
trạng phấn khích cao độ về ngày Ngoma nên họ thực sự đã quên khuấy.
Chẳng buồn để tâm tới lệnh cấm, họ thậm chí còn không thèm giữ mồm giữ
miệng về buổi lễ hội.
Cảnh tượng các bô lão vũ công đổ về đồn điền thật hùng tráng, vô song. Có
chừng trăm vị, tới đồng thời, chắc họ đã tề tựu bên ngoài rồi mới nhất loạt
tiến vào đồn điền. Các ông lão bản xứ là những con người lạnh lùng,