Chưa hề nghĩ tới sự tình lại xoay chuyển sang như vậy nên lúc đầu tôi
không hiểu ra sao và phải đọc đi đọc lại lá thư đôi ba phen. Quá ấn tượng
trước tầm mức trọng đại của lễ hội mình đang ngáng trở, bản thân anh lính
đưa thư cũng không dám hò hé trước các bô lão hay gia nhân của tôi hoặc
tỏ vẻ khệnh khạng, vênh vác theo kiểu đám lính bản xứ vốn khoái phô
trương quyền thế với thường dân bản địa vẫn hay làm.
Trong suốt phần đời ở châu Phi của mình, tôi chưa từng nếm trải thời khắc
nào chua cay đến thế. Trước cảnh trái ngang xảy đến với mình, bão lòng tôi
cũng chưa bao giờ sục sôi đến thế. Tôi thậm chí không có ý định thốt ra lời
nào: lúc này sự vô nghĩa, cái hư ảo của ngôn từ mới rõ ràng, hiển nhiên làm
sao.
Các vị bô lão Kikuyu đứng đó như bầy cừu già, những ánh mắt từ dưới các
cặp mí nhăn nheo đóng đinh lên mặt tôi. Họ chẳng thể, liền tức thời, từ bỏ
mục tiêu mọi trái tim đã đặt cả vào, vài đôi chân còn mơ hồ nhún nhún; họ
tới để nhảy và cần phải được nhảy. Sau cùng tôi đành thông báo buổi
Ngoma của chúng ta phải hủy bỏ tại đây.
Tôi biết trong đầu họ mẩu tin này sẽ chứa một thông điệp khác, nhưng
không hiểu họ sẽ cắt nghĩa thành ra sao. Có lẽ họ lập tức nhận thấy Ngoma
đã dừng hẳn bởi người xem là tôi chẳng còn tồn tại. Cũng có thể họ nghĩ,
trên thực tế có một lễ hội khác, một Ngoma vĩ đại vô song mà hào quang
của nó khả dĩ xóa sổ mọi thứ, đã được tổ chức và giờ đây khi nó kết thúc
mọi thứ cũng tan theo.
Một chú chó bản địa trên trảng cỏ trước nhà, tận dụng không khí tĩnh lặng
nhất thời sủa lên ông ổng, và thanh âm cứ vang mãi trong đầu tôi:
“… Bao nhiêu chó nhỏ đều xúm nhau vào!
Con Khôn, con Trắng, con Ngoan, kìa, nó đang sủa ta đấy
Được giao đảm đương việc phát thuốc lá cho các bô lão sau lễ hội,
Kamante, với tài xoay xở trong mọi tình huống khó khăn, cho đây là thời