Sau khi trở thành giáo hữu Thiên Chúa giáo, Kamante không còn sợ động
vào xác chết nữa. Trước đó cậu ghê sợ việc này, và khi có một người được
cáng về thềm nhà tôi rồi chết tại đấy, Kamante giống những người khác,
tuy chẳng lảng ra ngoài trảng cỏ như họ nhưng cũng không hề góp một tay
mang cái xác đi mà chỉ đứng bất động trên hè, như một bức tượng đen nhỏ
bé. Tôi chẳng tỏ cớ sao dân Kikuyu, vốn không hề sợ chết lại thất đảm
chuyện phải đụng vào xác chết đến thế, trong khi dân da trắng sợ chết lại
chẳng hề ngần ngại việc này. Ở đây một lần nữa, bạn nhận ra lối cảm nhận
thực tại ở họ khác của chúng ta. Nhưng tất tật nông gia đều biết đây là một
địa hạt bạn không thể chỉ thị cho người bản xứ, và bạn sẽ tránh được rắc rối
nếu lập tức từ bỏ ý định ấy, bởi họ sẽ thà chết còn hơn thay đổi lề thói của
mình.
Giờ thì tâm lí e sợ trong tim Kamante đã biến mất, cậu còn tỏ ra khinh miệt
nỗi khiếp hãi xác chết ở đồng bào mình. Về điểm này cậu thậm chí còn có
chút phô trương, như để khoe khoang quyền năng vị Chúa của mình. Trong
thời gian cùng sống ở đồn điền, tôi tình cờ có vài dịp kiểm chứng sức mạnh
đức tin ở cậu, đó là ba lần Kamante và tôi phải chia nhau mỗi người một
đầu khiêng xác chết. Đầu tiên là một cô gái Kikuyu bị xe bò chẹt qua bên
ngoài nhà tôi. Người thứ hai là một thanh niên Kikuyu thiệt mạng do ngã
cây rừng. Người thứ ba là một ông già da trắng tới trú tại đồn điền, góp
phần mình vào cuộc sống của nó, rồi qua đời tại đây.
Ông là một đồng hương của tôi, ông già mù lòa Knudsen, người Đan Mạch.
Một hôm tại Nairobi, ông dò dẫm tìm tới trước xe tôi, tự giới thiệu rồi xin
tôi cấp cho một mái nhà trên đất của tôi, bởi khắp địa cầu ông chẳng còn
nơi nào nương náu nữa. Dạo ấy tôi đang cắt giảm số nhân viên da trắng tại
đồn điền, nên có một gian nhà trệt nhỏ bỏ trống và ông chuyển tới đây sống
trong sáu tháng.
Đấy là nhân dạng dị thường giữa đồn điền miệt cao nguyên: một sinh vật
quá đậm chất đại dương đến nỗi như thể chúng tôi đang chung sống với
một con hải âu già, cánh bị xén cụt. Thân tàn ma dại bởi sóng gió đời và