Bản thân cũng đã có lúc đứng giữa lằn ranh của thở và không thở. Lâu
lắm rồi, ở cái ngày nỗi đau tình cảm còn có thể điều khiển được lý trí làm
những điều ngây dại. Lần đó đau… nhưng đáng, vì sau cái đau đó, chẳng
còn cho phép ai quyền làm đau mình nữa.
Nhân nói về cái chết, chợt nhớ đến hai người quen cũ, từ nhiều năm
trước. Cả hai đều biết bản thân nhiễm HIV.
Cả hai đều biết rằng số ngày còn sống ở cuộc đời của họ là một con số có
thể hình dung ra cụ thể. Nhưng cách đón chờ cái chết của họ lại khác nhau.
Một người sợ hãi đến cuồng loạn, lao vào ăn chơi, hưởng thụ vì biết rằng
mình chẳng còn sống được bao nhiêu ngày, nên cứ phải tận hưởng những
lạc thú còn sót lại ở cõi đời chóng vánh. Tháng rồi, nhà mới làm giỗ cho
anh xong, nhìn lên di ảnh, tưởng chừng như mới hôm qua anh em còn trò
chuyện cùng nhau.
Người còn lại chọn cách sống khác, trân quý từng ngày mình còn sống
và dùng nó để chuộc lại lỗi lầm của những ngày buông bản thân rơi vào vực
thẳm. Anh tham gia hoạt động từ thiện, để tuyên truyền phòng chống HIV ở
thanh thiếu niên để đừng ai rơi vào trường hợp của mình, anh sống trách
nhiệm, tự bảo vệ bản thân cũng như những người bên cạnh. Café hôm rồi,
anh kể sau 6 năm bệnh tật, đến nay anh mới thấy cơ thể mệt mỏi hơn xưa,
chắc cũng gần đi rồi. Câu cuối anh nói, mắt cười buồn.
Chúng ta, rõ ràng rằng rồi ai cũng sẽ chết, bằng cách này hay cách khác.
Nhưng biết điều đó, không có nghĩa chúng ta không còn thiết sống. Nếu đã
biết bản thân chỉ còn sống được một năm, ta nên sống làm sao để một năm
sống của mình bằng mười năm sống của người khác. Sống được như vậy,
dù có chết đi, ta sẽ luôn sống trong tim mọi người.