Thầy cười với tôi. “Cám ơn em.”
“Sao thầy lại xăm ở cổ tay như vậy?”
“Suốt thời phổ thông thầy cố gắng trở thành người mà mọi người kỳ vọng.
Lúc nào thầy cũng cố gắng làm vừa lòng mọi người và giấu đi bản chất thật của
mình. Thầy đã mất 19 năm ròng rã đi tìm câu trả lời mình là ai và rồi thêm 12
tháng nữa để thừa nhận sự thật đó. Và thầy không muốn quên đi tất cả những gì
mình đã từng trải qua; vì thế thầy xăm ở cổ tay mình một biểu tượng để nhắc nhở
bản thân rằng câu trả lời dành cho mình sẽ luôn ở đó.”
“Tại sao thầy lại chọn biểu tượng đó?”
“Thầy nghĩ em biết tại sao, Leonard à. Đó có lẽ cũng chính là lý do mà em
có một khẩu súng của phát xít trong tay. Thầy đang cố gắng chứng tỏ điều gì đó
với bản thân mình. Thầy muốn làm chủ đời mình.”
“Vậy tại sao thầy không cho học sinh nhìn thấy hình xăm này?”
“Bởi vì nó sẽ cản trở khả năng của thầy trong việc truyền tải một thông điệp
quan trọng tới những ai cần nó.”
“Thông điệp gì cơ ạ?”
“Đó là thông điệp của những lớp học mà thầy dạy, đặc biệt là lớp Lịch sử
nạn diệt chủng.”
“Nhưng mà là thông điệp gì ạ?”
“Em nghĩ đó là gì?”
“Rằng chúng ta nên chấp nhận sự khác biệt? Chúng ta nên khoan dung với
nhau?”
“Đó mới chỉ đúng một phần thôi em ạ.”
“Vậy tại sao thầy không làm ra mình khác biệt và thể hiện sự khoan dung
bằng cách cho người khác xem tam giác màu hồng này?”
“Bởi như thế thì một số bạn bè của em sẽ thấy khó khăn khi chấp nhận thầy
và thấy được sự nghiêm túc trong thông điệp của thầy. Kiểu như nếu thầy là
người đồng tính thì rất khó ăn khó nói, nhất là những ai dạy lớp học đầy tranh cãi
như lớp về nạn diệt chủng,” Herr Silverman nói và lại bắt đầu xắn tay áo lên cao
nữa. “Đây, dùng điện thoại của thầy để đọc cái này đi.”
Tôi chuyển khẩu súng sang tay trái và cầm lấy điện thoại của thầy.
Tôi chiếu đèn vào cánh tay của thầy.
“Đầu tiên họ phớt lờ anh, rồi họ chế nhạo anh, rồi họ chống lại anh và rồi
anh chiến thắng.”