“Có thể lắm chứ nếu như em sẵn lòng làm một việc.”
“Việc gì vậy thầy?”
“Đó là không để cho thế giới này nghiền nát em. Đó là cuộc chiến mà hằng
ngày em sẽ gặp phải.”
Tôi nghĩ về những gì thầy nói và tôi hiểu được phần nào. Tôi tự hỏi liệu
Herr Silverman trông như thế nào khi tôi bám đuôi thầy từ trường về nhà. Tôi cá
là thầy trông sẽ hạnh phúc và tự hào về những việc tốt mà thầy đã làm trong
ngày. Không giống như mụ đàn bà đeo kính râm thời 1970 gọi tôi là đồ biến thái
hay giống như những con người khốn khổ trên tàu khác mà tôi đã đi theo. Tôi
đoán là thầy sẽ đeo tai nghe và thậm chí hát theo những bài hát từ chiếc iPod.
Những người khác trên tàu sẽ nhìn thầy và tự hỏi sao thầy lại có thể vui vẻ thế
được. Họ sẽ tức tối với thầy. Mà có khi họ còn muốn giết thầy luôn cũng nên.
“Thầy không nghĩ em có khả năng giết ai đó đúng không? Thầy chắc không
nghĩ em có thể tự tử nữa,” tôi nói.
“Đó là lý do thầy ở đây. Thầy sẽ không đến nếu thầy nghĩ em không phải
người đáng sống.”
Tôi im lặng nhìn Herr Silverman một lúc lâu.
Lâu tới nỗi mọi thứ bắt đầu cảm thấy hơi kỳ cục, cho dù Herr Silverman
không nhận ra.
“Quẳng khẩu súng xuống sông đi Leonard à. Hãy tin ở tương lai. Làm đi
em. Làm đi. Không sao cả. Mọi chuyện sẽ ổn thỏa thôi. Em làm được việc đó
mà.”
Có lẽ bởi tôi muốn vứt hết những thứ bằng chứng dính dáng đến hôm nay,
có lẽ tôi muốn làm vừa lòng Herr Silverman, mà có lẽ việc quăng các thứ xuống
nước cũng khá là vui, nên tôi bước về phía trước mấy bước rồi quăng khẩu P-38
đi như quăng một cái boomerang.
Dưới ánh sáng thành phố xa xa, tôi thấy nó quay vòng vòng rồi biến mất vài
giây sau trước khi nghe tiếng nó rơi tõm xuống sông.
Tôi nghĩ về việc ông nội mình đã xử tử tên sĩ quan phát xít, kẻ sở hữu khẩu
súng này.
Khẩu súng đó đã đi cả một quãng đường dài xuyên không gian và thời gian
để rồi rốt cuộc chìm nghỉm dưới nhánh sông Delaware.
Những câu chuyện, những sự vật, con người và hầu hết mọi thứ khác có thể
loáng một cái là biến mất mãi mãi.