“Cứ phải có ý nghĩa mới được sao?”
“Em không biết. Em tưởng nghệ thuật luôn phải hàm chứa một ý nghĩa nào
đó.”
“Vô đề không được sao? Cứ thế tồn tại thôi. Tại sao ta cứ phải gán một ý
nghĩa nào đó cho nghệ thuật nhỉ? Con người ta cứ phải hiểu hết ‘mọi thứ’ mới
chịu hay sao? Cũng có thể nghệ thuật chỉ để khơi gợi những xúc cảm. Vậy thôi.
Không cần phải mang ý nghĩa gì cả.”
Tôi gật đầu tỏ ý hiểu những gì thầy nói.
Tôi tưởng tượng ra cảnh Herr Silverman và Julius có những cuộc nói chuyện
sâu sắc về nghệ thuật và nhân sinh các thứ, nghĩ thế khiến tôi mỉm cười.
Cuộc sống tránh xa những kẻ ngốc siêu cấp.
Nếu như không quá mệt tới mức này tôi sẽ nói chuyện tiếp, tranh luận qua
lại này kia, giống như trong lớp học của thầy vậy, đúng cách thầy muốn chúng tôi
thể hiện, tôi có thể nói hết giờ này sang giờ khác. Nhưng đó là “nếu”, còn giờ thì
sự tỉnh táo đang rời bỏ tôi. Tôi chỉ còn đủ thời gian để hỏi một, hai câu nữa là
chuối cả nải. Nên tôi hỏi: “Thầy có nghĩ đó là nghệ thuật hiện đại không? Thứ mà
ta chỉ được chiêm ngưỡng ở Bảo tàng nghệ thuật hiện đại (MOMA) ở New York?
Tại dạo này em cũng có quan tâm tới nghệ thuật hiện đại.”
“À, thì đó là nghệ thuật và nó hiện đại. Nhưng bất kỳ cái gì được vẽ vời gần
đây thì người ta gọi nó là nghệ thuật đương đại.”
“Thầy có nghĩ một bức tranh vẽ một khẩu súng phát xít đặt cạnh một tô ngũ
cốc có thể được coi là nghệ thuật đương đại không? Hay chỉ là nghệ thuật thôi?”
“Được chứ, tại sao không?”
“Em biết rồi,” tôi nói, và chúng tôi cứ ngồi đó cho tới khi tôi nhận ra mình
đang kiệt sức đến mức lả đi, có lẽ não tôi đã đi tới giới hạn của nó rồi, và tôi
không thể chờ nổi đến lúc Linda gọi lại nữa vì tôi chẳng còn chút sức lực nào.
Hai mí mắt nặng trĩu, thế là tôi ngáp một cái và nói: “Em chợp mắt một lát không
sao chứ ạ?”
“Tự nhiên đi em, ngủ thoải mái nhé.”
Tôi vừa nằm xuống ghế xô pha thì đã chìm ngay vào giấc ngủ.
Như thể não tôi đang rơi xuống một vực đen thăm thẳm.
Chẳng mộng mị gì.