TÁM
L
âu lâu tôi lại bày ra trò này: mặc bộ vét đen thường dành cho mấy dịp
trang trọng như đám tang chẳng hạn, rồi xách theo một cái cặp táp xộc xệch
trống rỗng mua ở tiệm đồ cũ. Chỉ có điều là tôi không đi đến trường mà thôi.
Tôi tập làm người lớn và giả bộ mình đi làm công sở.
Tôi đi bộ hướng về phía sân ga, và khi cách sân ga chưa đầy hai dãy nhà bao
giờ tôi cũng hòa vào dòng công chức mặc vét và tung tẩy cặp táp.
Từ lâu tôi đã quan sát những vẻ mặt đờ đẫn vô hồn y như xác chết của họ và
cứ bắt chước theo đó mà hòa lẫn vào đám đông.
Tôi cứ bước đờ người như duyệt binh, nhái lại điệu bộ của họ, vung vẩy tới
lui cái cặp táp rỗng tuếch của mình – lạch bạch như vịt.
Tôi nhét xu vào máy bán báo ngoài sân ga và mua một tờ báo giấy chính
thống rồi kẹp vào nách cho ra vẻ giống người khác.
Tôi trả tiền vé tại máy tự động.
Tôi bước lên thang cuốn xuống tầng dưới.
Rồi tôi cũng đứng đó, cứng đờ bất động như ma nơ canh, chờ tàu đến.
Nghe hâm nhỉ, nhưng mỗi bận tôi khoác bộ đồ đám tang, đi tới sân ga, giả
bộ có một công việc trong thành phố, thì tôi lại nghĩ đến những chuyến tàu mà
bọn phát xít chở người Do Thái tới những trại tử thần thời Chiến tranh thế giới
thứ hai. Đó là những điều mà Herr Silverman kể cho chúng tôi nghe. Vẫn biết so
sánh thế thì hơi ghê rợn và có khi còn xúc phạm nữa, nhưng khi đứng đợi trên sân
ga, lẫn trong những bộ vét khác, tôi đều có cảm giác mình chỉ đang chờ đợi để đi
tới một địa điểm kinh khủng, nơi mà ở đó tất cả những tốt đẹp đều tiêu vong và
nỗi khổ sở cứ kéo dài mãi không thôi – và đó chính là điều làm cho tôi liên tưởng
tới câu chuyện diệt chủng ghê rợn từng học ở tiết Lịch sử, chứ tôi không có ý xúc
phạm gì.
Mà đằng nào chúng ta cũng đã chiến thắng ở Chiến tranh thế giới thứ hai cơ
mà, chẳng phải vậy sao?
Ấy vậy mà những người lớn này – con cháu của những anh hùng chiến tranh
– vẫn bước lên những chuyến tàu tử thần này, cho dù chúng ta đã đánh bại tụi
phát xít lâu lắm rồi và đáng lẽ ra mỗi người Mỹ được tự do làm mọi thứ tại đây,