thú của mình trước một kiệt tác. Và ông tiếp tục nghĩ thầm: Thật tình, nếu
biển và bãi cát không đợi ta ngoài kia, ta sẽ ngồi lại đây chừng nào em còn
ở đó! Nhưng rồi ông cũng rời phòng ăn đi qua đại sảnh trong sự ân cần lễ
phép của đám nhân viên phục vụ, qua khoảng sân nổi lớn, theo con đừng lót
ván ra bãi tắm riêng của khách sạn. Lão già trông coi bãi tắm đi chân đất,
mặc quần vải lanh, áo thủy thủ, đội mũ rơm đưa ông đến một trong những
căn lều cho thuê ngoài bãi; ông bảo mang bàn ghế ra kê trên cái bục gỗ phủ
đầy cát trước cửa lều rồi tự mình lôi chiếc ghế nằm ra để gần mép nước trên
bãi cát vàng như sáp, ngả lưng thảnh thơi nằm nghỉ.
Quang cảnh bãi tắm, bức tranh thể hiện văn hóa hưởng thụ trần tục và
vô tư bên mặt nước, lúc nào cũng làm ông vui thích. Mặt biển xám ngắt
phẳng lì đã đông lúc nhúc, nào là trẻ con lội bì bõm, người bơi hì hụp, và
những thân hình sặc sỡ nhiều màu khoanh tay dưới gáy nằm dài trên cát.
Một số khác hăm hở chèo những chiếc thuyền nhỏ không sống sơn xanh
sơn đỏ, và cười như nắc nẻ khi thuyền lật. Trước dãy lều dài, trên những
bục gỗ như những mái hiên nho nhỏ, có người đi lại tung tăng và người
biếng nhác nằm ườn, thăm hỏi và buôn chuyện, trang phục thanh lịch cầu
kỳ bên cạnh da thịt hở hang, tất cả điềm nhiên tận hưởng cái tự do táo bạo
ngoài bãi biển. Tuốt ngoài xa, lác đác vài người mặc áo choàng tắm trắng
tinh hoặc áo sơ mi rộng thùng thình màu sắc chói chang đi dạo trên bờ cát
ướt. Phía bên phải ông trẻ con đã đắp một lâu đài bằng cát rất công phu,
chung quanh cắm những lá cờ tí hon đủ màu các quốc gia trên thế giới.
Những người bán sò ốc, bánh trái và hoa quả ngồi xệp xuống rải hàng ra.
Bên trái, trước một trong mấy túp lều đầu hồi xoay ngang hướng ra biển ở
cuối bãi tắm, có một gia đình người Nga cắm trại: những người đàn ông
rậm râu, răng bàn cuốc, những người đàn bà mòn mỏi dáng điệu uể oải, một
thiếu nữ Bantích ngồi bên giá vẽ biển thỉnh thoảng lại lớn tiếng càu nhàu
thất vọng, hai đứa trẻ xấu xí nhưng hiền hậu, một bà vú già trùm khăn che
kín đầu, cử chỉ ngoan ngoãn phục tùng như nô lệ. Họ hàm ơn tận hưởng
cuộc sống ở đó, luôn miệng kêu tên mấy đứa trẻ ngỗ nghịch quá, dốc hết
vốn liếng dăm ba câu tiếng Ý ra đùa giỡn với ông già hóm hỉnh bán kẹo,