Tôi vô cùng lúng túng, lòng vừa uất ức vừa buồn tủi. Bài tập kia là do
tôi tự mình suy nghĩ mệt óc, vất vả lắm mới viết ra được những câu như vậy
nhưng lại sai hết sao?
Cô Cung theo thường lệ lấy ra bài làm có số điểm cao nhất ra. Cô cầm
bài của Đỗ Dực, chỉ vào từ “Hâm mộ”, nói: “Đỗ Dực tạo câu rất hay. Em
xem cách viết của bạn ấy rồi nhìn lại cách đặt câu của mình đi.”
Tôi nghiêng đầu qua nhìn. Câu của Đỗ Dực vô cùng ngắn, vô cùng
bình thường, đến bây giờ tôi vẫn không thấy hay chỗ nào, ngữ cảnh cũng
rất bình thường: “Tôi hâm mộ những chú chim nhỏ, vì chúng có thể tự do
bay lượn trên bầu trời bao la.” So sánh tới lui thì tôi vẫn thấy câu văn của
tôi thể hiện rõ ràng khí khái tự tin của thế hệ trẻ hơn cả: “Ba mẹ, con thật
hâm mộ hai người vì có một đứa con gái như con.”
Cô Cung thấy tôi im lặng không nói gì, cho rằng tôi đã ngầm thừa
nhận, vì vậy nói: “Em xem lại từ này đây, nếu như em viết blah blah thì câu
văn sẽ blah blah…”
Tôi khinh thường liếc mắt nhìn câu văn của Đỗ Dực, từ đáy lòng trào
dâng cảm giác thằng nhãi này TMD quá dối trá, thảo nào được gia nhập
ngay vào nhóm một đội thiếu nhi tiền phong, trong khi tôi chỉ được vào
nhóm hai. Sở dĩ cậu ta được gia nhập ngay vào nhóm một là vì cậu ta đã
nói: “Nếu mỗi người đều quyên góp một phần tiền nhỏ của mình cho khu
vực trẻ em gặp thiên tai thì các bạn ấy sẽ vẫn tiếp tục được đi học.” Khi đó
rất lưu hành cụm từ “khu vực trẻ em gặp thiên tai”, không ai biết khu vực
nào của Trung Quốc gặp thiên tai nhưng lại dám cho rằng khắp nơi ở Trung
Quốc đều gặp thiên tai. Hơn nữa, Đỗ Dực à, làm sao cậu biết mấy bạn ấy lại
thích đi học? Khi đó tôi rất mong muốn tôi sống trong vùng gặp thiên tai,
vừa có thể không cần đi học, lại vừa nhận được tiền quyên góp.
(TMD: chửi thề)